10/07/2013 12:34 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Chính sách chuyển nhượng chỉ tập trung vào ngắn hạn của Man City và Chelsea giúp họ mua được thành công chóng vánh. Nhưng nếu luận về giá trị dài lâu, cách làm bóng đá của hai "đại gia" Premier League đang vô tình giết chết lứa cầu thủ trẻ tài năng.
Rất hiếm khi khán giả được thấy John Guidetti trong màu áo xanh của Manchester City, dù anh được coi là một tiền đạo đầy triển vọng
Không có kiên nhẫn cho người trẻ
Ngày tỷ phú Roman Abramovich tiếp quản Chelsea, ông nhanh chóng tạo ra một đội quân siêu cường ở Anh. Áp dụng bài học là phải chấp nhận chi bạo mới có được thành công, hàng tá ngôi sao từ mọi nơi lập tức tề tựu dưới mái nhà đội bóng thành London. Mục tiêu của Abramovich vô cùng rõ ràng, đội bóng chỉ có thể vô địch nếu có trong đội hình những cầu thủ giỏi.
Không chỉ vậy, Chelsea khi ấy còn được dẫn dắt bởi Jose Mourinho. Triết lý của ông là tập trung vào những cầu thủ đã có kinh nghiệm và tên tuổi, bởi "sai lầm trên sân thường xuất phát từ sự non nớt của những cầu thủ trẻ". Kể từ thời Mourinho, học viện bóng đá của The Blues hiếm khi cung cấp cho đội hình một các cầu thủ đủ sức chơi bóng ở đỉnh cao. Huấn luyện viên không cần, thì phát triển công tác đào tạo trẻ làm gì!?
Khác với Manchester United, đội bóng được chỉ huy bởi sự kiên nhẫn và niềm tin vào lớp trẻ của Sir Alex Ferguson vĩ đại, ở Chelsea, hầu như không có khái niệm về dài hạn. Ở Stamford Bridge, tất cả được trả lương hậu hĩnh, nhưng đi kèm đó là áp lực rất lớn về thành tích. Khi mỗi sai lầm đều phải trả cái giá rất đắt, khó có chỗ cho niềm tin vào sự trưởng thành ở một cầu thủ trẻ.
Tại Man City, điều này cũng không khác là bao. Việc được hậu thuẫn bởi nguồn tiền khổng lồ từ ông chủ dầu mỏ cho phép huấn luyện viên có thể thoải mái chiêu mộ những ngôi sao lớn. Ngay cả với những người trẻ, đội chủ sân Etihad cũng bỏ tiền ra để mua về, khiến lò đạo tạo Man City, một thời vào loại tốt nhất nước Anh, hầu như bị bỏ bẵng.
Làm cho có lệ?
Trong giải được mệnh danh là Champions League trẻ của châu Âu, Next Generation 2013, Chelsea cho trình làng hàng loạt những gương mặt tài năng có triển vọng trong hệ thống đào tạo trẻ của họ. Phần lớn đều mang quốc tịch Anh.
Điểm qua có Alex Davey, Daniel Pappoe, Kevin Wright, Lewis Baker và Ruben Loftus. Tất cả họ đều tập ở lò đào tạo trẻ trong độ tuổi từ chín đến 12. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ những mầm non này hiếm khi có cơ hội ra sân trong đội hình Chelsea ở các giải đấu chính thức, khiến họ hoặc dần mai một, hoặc rồi phải ra đi tìm một nơi khác, thay vì có thể trụ lại lâu dài ở Stamford Bridge.
Vài năm trước, lò đào tạo trẻ của Chelsea xuất hiện cầu thủ người Anh được đánh giá rất có tiềm năng là Josh McEachran. Thậm chí, chính đàn anh Frank Lampard là người khen ngợi McEachran nhiều nhất vì phong cách chơi bóng thông minh, nhạy bén và sáng tạo của cầu thủ này. Lampard dự đoán McEachran này sẽ nhanh chóng được trao cơ hội trong đội hình một. Tuy nhiên, từ đó tới nay đã bốn năm trôi qua và McEachran vẫn chỉ mãi là một tài năng không bao giờ lớn. Hiện tại, anh đang phải thi đấu cho đội hạng dưới Middlesborough theo dạng cho mượn.
Hơn hết, một cầu thủ trẻ dù có tài năng đến mấy, nhưng nếu không được trao cơ hội ở môi trường đỉnh cao thì vẫn dậm chân tại chỗ. Tuổi tác luôn đóng vai trò quyết định đến sự phát triển các tố chất đá bóng và thực tế cho thấy khoảng từ 16 đến 21 tuổi là thời gian chín muồi để một cầu thủ hoàn thiện kỹ năng của mình. Anh ta sẽ khó lòng đạt tới đỉnh điểm chuyên nghiệp nếu phải ngồi lì ở lò đào tạo trẻ hoặc chơi bóng ở những đội bóng thuộc hạng thấp.
Trước việc phải chứng kiến những học trò cứ bị lãng phí tài năng, huấn luyện viên Dermot Drummy, người từng đưa U19 Chelsea vào đến chung kết giải Next Generation 2013, buộc phải lên tiếng. Ông yêu cầu ban lãnh đạo hãy trao cơ hội cho những ngôi sao trẻ như McEachran hay ¬Nathaniel Chaloba. Ông cho rằng các chú nhóc này cần được giải phóng thay vì cứ phải bị khóa chặt trong những giải trẻ vì xung quanh họ có quá nhiều ngôi sao đắt tiền.
“Thật khó để những cầu thủ trẻ có cơ hội trong đội hình một, bởi Chelsea sẽ mua những tên tuổi lớn hầu như mỗi mùa. Ngày trước, điều quan trọng là đội bóng phải sản sinh ra cầu thủ. Nhưng giờ đó không còn là ưu tiên nữa. Thế mới có chuyện Nathaniel và Josh cứ phải chơi bóng theo kiểu cho mượn để cứu vãn sự nghiệp” - Drummy nói.
Man City và Chelsea đi chung một con đường
Josh McEachran, một tài năng không bao giờ lớn của Chelsea
…với điểm đến là những danh hiệu. Song những danh hiệu đó là không thể bền vững nếu như họ bỏ bê công tác đào tạo trẻ. Vấn đề chính có lẽ là cách điều hành của các ông chủ, những người luôn khao khát có được thành công tức thời và chưa bao giờ dành sự kiên nhẫn cho các huấn luyện viên để họ định hướng và phát triển cho tương lai.
Với Chelsea, họ hạnh phúc khi mua được Eden Hazard, Romelu Lukaku, Oscar và David Luiz bởi đó cũng toàn cầu thủ trẻ đấy thôi. Tuy nhiên, đội bóng này lại không có một tầm nhìn xa hay kế hoạch rõ ràng trong chính sách chuyển nhượng. Họ vẫn tin tiền bạc sẽ mang đến danh hiệu.
Man City cũng vậy. Họ có sẵn một đội ngũ chuyên đi săn tài năng trẻ ở khắp nơi và hơn thế còn xây cả một đội hình cho tương lai. Karim Rekik cập bến thành Manchester hè năm ngoái khi mới 16 tuổi 294 ngày. Đã có lúc, nhà vô địch Premier League mùa giải 2011-12 phải chạy đua quyết liệt với Barcelona, Chelsea và kình địch Manchester United để giành chữ ký của tiền vệ tấn công Denis Suarez từ Celta Vigo. Chưa hết, Jose Angel Pozo cũng khiến đội chủ sân Etihad tốn đến 5 triệu bảng cho Real Madrid. Nhưng rốt cuộc, người ta hầu như chưa hề thấy Rekik, Suarez hay Pozo ra sân bao giờ.
Một ví dụ khác cho thấy rõ về chính sách dùng người nói “không” với người trẻ là John Guidetti. Được mua về năm 2010 và chơi rất hay trong màu áo Feyenoord khi ghi 20 bàn sau 23 trận ở mùa giải 2012-13. Lúc bấy giờ, nhiều cổ động viên rất hy vọng Guidetti sẽ được trao cơ hội đá trong đội hình chính sau khi anh đến Etihad. Tuy nhiên, cho tới nay anh đã mất hút hoàn toàn trong màu áo Man City, trước sự cạnh tranh của những Carlos Tevez, Sergio Aguero hay Edin Dzeko. Đó là chưa kể mùa hè này, Man City còn đang theo đuổi những Radamel Falcol và Edinson Cavani. Cơ hội của chân sút 21 tuổi người Thụy Điển như thế sẽ càng thêm mờ mịt.
Những đồng tiền đến từ hầu bao vô đáy của các ông chủ ngoại đang giúp Premier League trở nên hấp dẫn hơn nhờ là nơi thi tài của nhiều ngôi sao. Nhưng khi mãi tập trung vào các tên tuổi lớn, đó lại trở thành bước lùi cho bóng đá Anh trong công cuộc đào tạo cầu thủ trẻ.
Đức Trường
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất