03/05/2013 06:37 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Những đòi hỏi về một cuộc cải tổ toàn diện ở Camp Nou đã được đặt ra ngay sau trận lượt đi và trở nên cấp bách hơn bao giờ hết sau thất bại bạc nhược trên sân nhà ở lượt về. Không loại trừ khả năng sẽ có một cuộc thay máu mùa hè này với rất nhiều kẻ đến, người đi, nhưng thay đổi phải bắt đầu từ nơi yếu nhất: Tito Vilanova.
Barca phải thay Tito, luôn và ngay
“Gran Bayern” (Bayern vĩ đại), dòng tít lớn trên trang bìa tờ Mundo Deportivo số ra ngày hôm qua đã thừa nhận một thất bại toàn diện của Barca trước đối thủ trội hơn ở mọi mặt. Cùng với đó là hình ảnh Alex Song, Valdes… vỗ tay chúc mừng chiến thắng của gã khổng lồ nước Đức.
Khi Bayern dạy Barca
Bayern chỉ mất 4 năm để đứng dậy từ đống đổ nát và khẳng định quyền lực của mình. Năm 2009, thất bại 0-4 trước Barcelona tại Camp Nou đã loại Bayern khỏi vòng tứ kết, khiến Juergen Klinsmann bị sa thải và đặt ra rất nhiều những ngờ vực cho sức mạnh của đội bóng vùng Bavaria. “Hùm xám” thậm chí đã có nguy cơ lỗi hẹn với Champions League mùa sau và phải nhờ tới tài năng của HLV tạm quyền Jupp Heynckes mới giành được vé. Nhưng Bayern không tuyệt vọng sau trận thua cay đắng trên đất TBN, họ bắt đầu công cuộc tái thiết với Van Gaal và tiếp nối bởi Heynckes. Những ngôi sao được mua về và các tài năng trẻ được trọng dụng, từ Boateng, Alaba cho tới Mueller, Kroos… đều đóng vai trò cốt liệu cho phong cách bóng đá tổng lực của Bayern.
4 năm sau thất bại cay đắng ở Camp Nou, Bayern đã trở lại nơi cũ để kéo sập pháo đài của đối thủ. Trong quãng thời gian hơn 1.400 ngày ấy, “hùm xám” đã có thời điểm tiến rất gần tới thành công với hai trận chung kết các năm 2010, 2012, để rồi thất thủ trước Inter và Chelsea. Người Munich không nản chí, họ vẫn giữ được sự kiên nhẫn và xem thất bại như thành công bị trì hoãn để rồi được trả công với một mùa giải phi thường để viết tiếp giấc mơ về “cú ăn ba”.
Sở dĩ Bayern nhanh chóng tìm được thành công là bởi họ biết nhìn thẳng vào thất bại bằng thái độ nghiêm túc và luôn ý thức được mình đang ở đâu. Trước trận chung kết gặp Chelsea mùa trước, đội trưởng Philipp Lahm khẳng định thế hệ của anh không phải là một “thế hệ vàng” bởi vẫn còn thiếu những danh hiệu lớn. Người Đức là thế, họ không ảo tưởng về giá trị của bản thân và không vơ về mình những thứ không phải của mình. Đó là một bài học cho Barca, đội bóng được phong là số 1 thế giới những năm qua. Một ông vua bị phế truất cần phải tỉnh táo nhìn nhận và chấp nhận thay đổi để mơ về ngày trở lại ngai vàng.
Muốn thắng, Barca phải trảm Tito
Tờ Mundo Deportivo ngày hôm qua đăng bức tranh biếm họa Tito ngã sóng soài, nó thể hiện rằng người Catalunya đã nhìn thấy đâu là nguyên nhân gây ra đổ vỡ. Vậy mà Tito vẫn ngầm đổ lỗi thất bại cho sự vắng mặt của các trụ cột Messi, Puyol, Mascherano, Busquets và Jordi Alba. Ông nói: “Tôi chắc chắn rằng nếu chúng tôi đạt 100%, chúng tôi sẽ chơi tốt hơn”. Một tuyên bố khác sẽ khiến các cule lo lắng: “Barca không cần mua cầu thủ mới, chúng tôi chỉ cần hồi sinh những cầu thủ đang có”.
Khi Sandro Rosell lên thay Laporta làm chủ tịch, Barca đã bắt đầu quá trình “Catalunya hóa”, “La Masia” triệt để đến cực đoan và kiên quyết loại bỏ những yếu tố ngoại lai. Khi Guardiola quyết định ra đi, ngay lập tức Vilanova được ấn vào chiếc ghế trống chỉ bởi Tito là công dân Catalunya và được đào tạo ở La Masia. Quyết định bổ nhiệm một HLV non kém và thiếu cá tính là khởi đầu cho sự đổ vỡ của Azulgrana mùa giải này. Thậm chí Rosell còn “yêu” Tito đến mức ngay sau thất bại cay đắng trong trận “kinh điển” trên sân Camp Nou, ông bỏ bễ công việc để đáp máy bay đến Mỹ thăm HLV 44 tuổi và bàn về kế hoạch mùa bóng mới trong khi mùa giải vẫn còn… 3 tháng nữa.
Rosell cũng nhiều lần khẳng định “Tito quan trọng hơn mọi danh hiệu”, có bao nhiêu phần trăm cule đồng tình với quan điểm ấy? Nhiệm vụ của Barca là chơi bóng, là cống hiến bóng đá đẹp, không phải là làm từ thiện, và sẽ có rất nhiều những người yêu mến Barca sẵn sàng đánh đổi một HLV kém tài năng như Tito để đội bóng vô địch châu Âu.
Hoài Trinh
Thể thao & Văn hóa
6 Sau 6 mùa giải liên tiếp lọt vào bán kết Champions League, Barca đã sa sút trầm trọng và không còn là đội bóng số 1 thế giới. 4 Đã lâu rồi Barca mới thua nhiều đến thế tại một mùa giải Champions League, tổng cộng 4 lần (thua Celtic, Milan, 2 lần thua Bayern). Họ cũng chỉ giành được 5 chiến thắng với duy nhất một lần diễn ra ở vòng knock-out. 17 Barca đã phải nhận 17 bàn thua ở Champions League mùa này, trong khi chỉ ghi được 18 bàn. |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất