05/12/2022 05:56 GMT+7 | AFF Cup 2024
Tin ĐKVĐ Thái Lan không thể triệu tập đội hình mạnh nhất để dự AFF Cup 2022 gây nhiều cảm xúc lẫn lộn cho giới mộ điệu Việt Nam. Lần gần nhất người Thái rơi vào trường hợp tương tự là AFF Cup 2018 và Việt Nam đã vô địch.
1. Thời điểm 2018, chúng ta rất ít nhắc đến chuyện Thái Lan vì 2 lý do: Thứ nhất là họ không gặp trực tiếp Việt Nam trong suốt giải, bị loại ở bán kết bởi Malaysia. Thứ hai, Việt Nam năm 2018 là đội hình rất mạnh, nên trong suy nghĩ của người hâm mộ, dù Thái Lan có đội hình mạnh nhất thì cũng chúng ta cũng sẽ vô địch thôi. Thực tế thì sau đó ở vòng loại World Cup cũng như SEA Games, các đội tuyển Việt Nam đều không thua trước lực lượng mạnh nhất của họ.
Đó cũng là chi tiết duy nhất vẫn còn chưa hoàn hảo trong bộ sưu tập không lồ của HLV Park Hang Seo với hành trình 5 năm tại Việt Nam. Nó có thể chẳng là gì cả nếu xét về sự phát triển của một nền bóng đá, nhưng cũng có thể là mấu chốt của mọi thứ nếu đưa ra những nhận định về tương lai.
Vì vậy mà việc Thái Lan không đưa được đội hình mạnh nhất đến AFF Cup 2022 trong khi Việt Nam phải cố gắng kéo Nguyễn Quang Hải từ châu Âu về đá, trở thành một thứ trở ngại về tâm lý.
Gặp Thái Lan và đánh bại họ, không có vấn đề gì. Nhưng nếu chiến dịch AFF Cup 2022 không thành công, thì rõ ràng, những nhà quản lý cần phải đánh giá lại các kế hoạch trong tương lai, nhất là mục tiêu dự World Cup. Nói gì thì nói, trước khi bàn đến những việc xa vời, thì cần phải cụ thể hóa những tham vọng ngắn hạn, gần gũi.
Lấy ngay chính bài học Thái Lan: Họ nói rằng việc chiến thắng ở sân chơi khu vực không quan trọng, nhưng chuyện bước ra thế giới của họ cũng đâu suôn sẻ gì dù đã từng có những HLV đẳng cấp thế giới đến làm việc cũng như sở hữu ít nhất 2 thế hệ vàng trong 2 thập niên qua.
2. Những câu chuyện thành công của bóng đá châu Á ở World Cup 2022 cho thấy một dữ liệu quan trọng về khả năng tạo đột biến đẳng cấp ở những nền bóng đá đang phát triển. Đó chính là sự phát triển toàn diện về chất lượng cầu thủ.
Nhật Bản và Hàn Quốc có một điểm chung đó là số cầu thủ ra nước ngoài chiếm áp đảo, nhưng các cầu thủ đang đá trong nước cũng có trình độ tương đương. Nghĩa là dù chú trọng xuất khẩu cầu thủ ra nước ngoài nhưng giải vô địch quốc gia cũng phải đạt tầm vóc nào đó tương xứng. Người Thái đang áp dụng cách thức này, trong khi Việt Nam thì dường như hiện vẫn ngổn ngang đường lối.
Thành công thì không đáng kể, thất bại sẽ bộc lộ nhiều vấn đề, đó là hoàn cảnh không dễ dàng.
Nhưng nói cho cùng, mục tiêu vẫn chỉ có 1: Phải vô địch. Với một quá trình tập trung dài hạn, lại diễn ra ở kỳ giải cuối cùng mà HLV Park Hang Seo cầm quân, đội tuyển Việt Nam buộc phải có một màn trình diễn tốt. Đó là một thứ tư duy mà bóng đá Việt Nam cần phải thay đổi.
Nghĩa là không nên tìm lời lý giải nào cả nếu gặp thất bại. Muốn đi được đến World Cup, thì phải tập làm quen với các loại áp lực khác nhau. Lâu nay, mỗi khi có ai chỉ trích đội bóng của HLV Park Hang Seo thì sẽ bị phản ứng là "đòi hỏi quá đáng", nhưng một khi đã tính đến chuyện "vượt vũ môn" thì các đòi hỏi đó là đương nhiên, chẳng có gì "quá đáng" cả.
Chỉ với tư duy đó mới khiến cho Nhật Bản hay Hàn Quốc hoặc Saudi Arabia lật ngược thế cờ, dù bị các đội bóng hàng đầu thế giới ghi bàn dẫn trước. Họ thua với cách biệt 1 bàn cũng đâu có sao, vấn đề là họ không chấp nhận với kiểu suy nghĩ đó được nữa.
Họ không muốn đến World Cup để "thua trong tự hào" mà là để chiến thắng, bất kể đối thủ là ai, ở trong tình trạng nào, có "lỏng chân" hay không.
Thái Lan không có đội hình mạnh, đấy là chuyện của họ. Việc của chúng ta là phải đoạt Cúp, đơn giản vậy thôi. Không cần giải thích khi thua và cũng chẳng quá vui mừng khi vô địch.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất