28/08/2014 06:20 GMT+7 | Italy
(Thethaovanhoa.vn) - Tạm biệt Serie A đậm chất "made in Italy". Cái thời mà những đội bóng Serie A gồm toàn những cầu thủ người Ý hay nhất và những cầu thủ ngoại xuất sắc nhất đến từ khắp nơi trên thế giới giờ chỉ còn lại trong kí ức xa xôi của những ai đã sống qua thời kì ấy.
Bây giờ, khi giải đấu đang khủng hoảng nghiêm trọng về bản sắc cũng như tài chính, các tifosi lại chứng kiến một sự thật khác: giải đấu trên đất nước của họ đang bị xâm lăng bởi các cầu thủ ngoại, nhiều trong số đó hoặc trình độ xoàng xĩnh, hoặc những ai đã ở dốc bên kia của một sự nghiệp vinh quang.
Những lời hứa hẹn về việc tăng cường đào tạo trẻ của các CLB sau mỗi mùa hè trở thành những lời nói dối. Những bài báo về việc học tập người Đức trong lĩnh vực ấy, như là cách tốt nhất để có một tương lai tươi sáng hơn, bị bỏ xó. Và những cầu thủ trẻ xuất sắc mà bóng đá Ý đã sản sinh tiếp tục rời bỏ Serie A để đến với những chân trời ngoại quốc, trong khi từ ngoài biên giới nước Ý, những ngoại binh ồ ạt đổ vào trong một làn sóng không ngưng nghỉ, trong một chính sách chuyển nhượng theo hướng nhập khẩu là chính, hệt như cách đi tắt để giải quyết vấn đề nghiêm trọng về tài chính mà họ đang đối mặt, một dạng ăn xổi thực sự. Và chính tư duy ấy cùng nhiều vấn đề lớn lao khác đang dần giết chết các tài năng đang ngày càng ít đi trong một giải đấu đang tụt dần trên bảng xếp hạng của UEFA.
Khi TTCN mùa hè ở Italy gần kết thúc, trong số hơn 150 thương vụ đã được thực hiện thì có đến 104 vụ chuyển nhượng dính dáng đến những cầu thủ không mang quốc tịch Ý. Tính cho đến thời điểm bài báo này được đăng, Serie A đã đón nhận thêm 66 cầu thủ ngoại quốc mới tinh. 38 cầu thủ khác hiện đã có mặt ở Ý từ trước, chơi cho những CLB khác hoặc ở những hạng đấu khác, và nay họ chuyển sang đội bóng mới.
Điều quái quỉ gì đang xảy ra ở nước Ý, khi những đội bóng cứ nhìn ra nước ngoài để tăng cường lực lượng, và bỏ rơi những cầu thủ trẻ tài năng mà họ tạo ra? Italy, đất nước vào năm ngoái đã chứng kiến 40 nghìn thanh niên bỏ nước chạy trốn khủng hoảng kinh tế để kiếm tìm việc làm ở nước ngoài, đang có một nền bóng đá hắt hủi những người trẻ tuổi. Juventus, nhà vô địch nước Ý ba mùa liên tiếp, hiện đang sở hữu nhiều cầu thủ trẻ xuất sắc, nhất là trên hàng công, từ Zaza, Gabbiadini hay Berardi (Juve đã từng sở hữu Immobile, trước khi bán anh cho Dortmund), nhưng có lẽ mùa này (và biết đâu mùa sau nữa), sẽ chẳng có ai khoác lên mình chiếc áo sọc trắng-đen.
Những vị trí ở hàng công của Juve đều do ngoại binh chiếm giữ (trong khi Giovinco sẽ tiếp tục bị đầy lên ghế dự bị). Ở Anh và Đức, người ta sẵn sàng đưa vào đội hình chính những cầu thủ tầm tuổi 20. Tại Serie A, lâu lắm rồi các tifosi không được chứng kiến những cảnh tương tự. Bởi một điều đơn giản, vị trí lẽ ra dành cho họ được tạo ra cho cầu thủ nước ngoài, điều đặc biệt phổ biến ở những CLB lớn. Mùa này, Milan đưa về Alex, Menez và Diego Lopez, Inter tậu Medel, M'Vila và Vidic, Juve có Evra, Morata và Coman, Fiorentina đưa về Marin, Basanta, trong khi Roma mua Cole, Keita, Ucan và Napoli chiêu mộ Koulibaly, Michu và De Guzman. Danh sách còn rất dài.
Mùa trước, số cầu thủ ngoại trong tổng số các cầu thủ có đăng kí của Serie A chiếm 53,7%, cao chưa từng thấy trong lịch sử giải đấu. Cho đến lúc này, tỉ lệ này thấp hơn một chút, 53,4%, nhưng con số trên sẽ bị vượt qua trong những ngày tới, khi TTCN đóng cửa, bởi những thương vụ "vét" của mùa hè này đều không nói tiếng Italy.
Lazio, chứ không phải Inter, hiện đang là đội bóng sở hữu nhiều cầu thủ nước ngoài nhất trong đội hình, với 26/32 người của đội hình 1 không sinh ra và lớn lên trên đất nước của pizza, tức là hơn 80%, tỉ lệ cao khủng khiếp và chưa từng có trong lịch sử CLB này. Inter hiện cũng có 24/30 người là ngoại quốc, Udinese có 24/34, Fiorentina là 25/35. Trong khi Juve và Milan vẫn chưa để con số ngoại binh vượt quá 14, thì cả Napoli lẫn Roma đều đã ở mức 20 cầu thủ đến từ nước ngoài.
Con số ấy là quá lớn so với các giải đấu khác. Chẳng hạn, tại La Liga, hiện trong số 506 cầu thủ dự giải, chỉ có 195 cầu thủ ngoại (chiếm 38,5%), hay tại Bundesliga, có 244 cầu thủ ngoại trong tổng số 521 cầu thủ của các đội (46,8%). Đội hình của Bayern, Dortmund, Real và Barcelona không có quá 15 ngoại binh. Chỉ có ở Premier League, tỉ lệ ngoại binh cao hơn hẳn ở Serie A (67%, nhưng trong số đó có nhiều cầu thủ Scotland, Bắc Ireland và xứ Wales, cũng thuộc Liên hiệp Vương quốc Anh). Nhưng chất lượng của các cầu thủ ngoại ở giải đấu ấy cao hơn hẳn ở Serie A. Sức hấp dẫn cũng khác xa.
Thất bại của đội tuyển Ý ở World Cup 2014 và trước đó, tại World Cup 2010, cũng như sự tụt hậu nhanh chóng của bóng đá cấp CLB trên chiến trường Châu Âu, cho thấy nền bóng đá Italy có quá nhiều vấn đề phải giải quyết, trong đó có vấn đề nhân sự. Lợi ích ngắn hạn của các CLB trong khủng hoảng đã khiến họ quay lưng lại với đào tạo trẻ và đưa về giải đấu những cầu thủ ngoại quốc có giá hạ để lấp đầy đội hình.
Họ là những cầu thủ ít tên tuổi mà các tuyển trạch viên đưa về để "ươm giống", và sau vài năm sẽ bán cho những CLB nước ngoài nhiều tiền hơn, khiến Serie A hiện tại giống như "ao nhà" của những nền bóng đá lắm tiền hơn. Họ là những cầu thủ chất lượng trung bình, nhưng giá hạ hơn các cầu thủ gốc Ý và tiền đóng thuế cũng ít hơn các thương vụ liên quan đến cầu thủ Ý. Họ cũng là những cầu thủ đã bị các đội bóng lớn khác thải loại, khi đã ở cái dốc bên kia của sự nghiệp (như Vidic, Evra hay A.Cole).
Ngay cả những CLB trước kia từng tự hào là nơi thi đấu của những cầu thủ gốc Ý đi lên từ hạng dưới cùng họ, và rồi như hoa nở dưới ánh mặt trời Serie A, như Chievo hay Palermo, cũng ngoại hóa cấp tập. Chỉ những đội tí hon và ít tên tuổi như Sassuolo (suýt xuống hạng mùa trước) là vẫn trung thành với xu hướng Ý hóa. Họ chỉ còn là một thiểu số hiếm hoi, trong một nền bóng đá mà đến những đội như Napoli cũng sẵn sàng ngoại hóa toàn bộ đội hình ra sân. Ngay cả HLV của họ cũng là một người nước ngoài. Điều này chưa từng xảy ra trong lịch sử Napoli. Nhưng vào lúc họ ngoại hóa ồ ạt nhất, Napoli thậm chí không vượt qua được sơ loại để vào vòng bảng Champions League mùa này.
Serie A giống như một vườn hoa tài năng ngoại, và cùng lúc cũng là một bãi rác thải công nghiệp khổng lồ, trong khi ấy, thành tích cứ tụt lùi mãi. Bao giờ cho đến ngày xưa?
Trương Anh Ngọc (từ Rome, Italy)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất