09/11/2021 05:59 GMT+7 | V-League
(Thethaovanhoa.vn) - Mùa giải 2022 diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh đã gây khó khăn cho rất nhiều câu lạc bộ. Nhiều người cho rằng sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng chuyên môn của giải đấu. Tuy thế, việc U23 Việt Nam và đội tuyển Việt Nam vừa trải qua nhiều đợt cọ xát quan trọng sẽ hứa hẹn mang đến những bất ngờ cho giải chuyên nghiệp 2022.
Khi cầu thủ “cuồng chân”
V-League 2022 sẽ khởi đi khi đội tuyển Việt Nam đang trong guồng quay của những trận vòng loại World Cup. Sau đó, đến lượt U23 Việt Nam bước vào chiến dịch bảo vệ Vàng SEA Games 31 rồi VCK U23 châu Á. Cả năm qua, ngoài những tuyển thủ quốc gia thì các cầu thủ mỗi CLB đã quá thèm khát được ra sân chơi bóng. Rất dễ để cảm nhận sự háo hức để được đến ngày trái bóng V-League lăn ở mỗi đội bóng, từng cầu thủ. Ngoài đam mê, đá bóng còn mang lại điều kiện kinh tế. Bởi, dịch giã đã đẩy bao người đang hoạt động bóng đã vào hoàn cảnh túng quẫn.
Không chỉ thế, với cầu thủ nước nhà bây giờ, họ còn muốn qua các giải đấu chuyên nghiệp sẽ được ông Park và cộng sự để mắt đến mình. Với nhiều giải đấu, thời gian đến của cả ĐTQG cùng U23 Việt Nam, ông Park đang cố tìm tòi thêm nhân tố mới để cài cắm, bổ sung. Vì thế, hơn lúc hết, khi V-League được tổ chức, sẽ như cơ hội rất quý để cầu thủ thể hiện năng lực còn ông Park có điều kiện tìm kiếm con người.
Trong nỗ lực “tái cơ cấu” ĐTQG cùng U23 Việt Nam, sẽ không ngạc nhiên, nếu thời gian đến, thông qua V-League, sẽ có thêm cầu thủ mới, nhân tố tiềm năng được gọi tập trung. Chính vì thế, sàn diễn V-League 2022 đang được trông đợi hơn lúc nào hết. Rất nhiều cầu thủ trẻ được đôn lên đội 1 trong mùa qua đang âm thầm "đâm chồi, nảy lộc". Hồ Thanh Minh, chàng trai dân tộc Tà Ôi của đội hạng Nhất Thừa Thiên - Huế tỏa sáng ở U23, là một bằng chứng thú vị.
Có gì chơi nấy
Nhìn quanh V-League lúc này sẽ thấy “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, không ai giống ai với điều kiện của riêng mình. Có đội thong dong nhưng cũng có đội đang lo ngay ngáy. Lo chuyện con người, lo cả câu chuyện “tiền đâu” để trang trải. Bởi không phải CLB nào lúc này cũng “xông xênh” cả. Hơn thế, trong cơn dịch giã, ít nhiều ông bầu cũng phải dè xẻn chuyện chi tiêu.
Qua cơn dịch giã cũng như V-League 2021 “đứt gánh” giữa chừng đã lộ ra nhiều bất cập cho giải đấu chuyên nghiệp nước nhà. Đã có khoảng cách giàu nghèo giữa các đội bóng với nhau. Trong lúc một số CLB phải nợ lương, phải tìm cách thanh lý hợp đồng càng nhiều càng tốt thì một số khác đang chiêu mộ tân binh rộn ràng.
Nói như HLV Nguyễn Văn Sỹ ở CLB Nam Định: “Vì khó nên tụi mình tập trung sớm để có cách chuẩn bị của riêng mình”. Hay HLV Nguyễn Thành Công đang lo vì Hồng Lĩnh Hà Tĩnh đang cho đi nhiều hơn mua về. Đội bóng núi Hồng sông La lo thì phải bởi cho đến hôm nay vẫn chưa tìm đâu ra nguồn ngoại binh thay thế.
Với nhiều đội, đôn lứa trẻ đang có lên đội 1 được xem như ưu tiên lúc này. SHB Đà Nẵng đang làm điều đó với những tính toán của HLV Phan Thanh Hùng. Đội bóng sông Hàn không đón về những bản hợp đồng đình đám. Ngay cả Hà Đức Chinh cũng “bật đèn xanh” cho đi khi không tìm được tiếng nói chung. Tướng Hùng đôn lên cả tá cầu thủ U19, U21 để thực hiện phương châm “cài răng lược”. Hoàng Quãng, Nguyên Sa về lại cũng để “dìu” lứa trẻ mà HLV Phan Thanh Hùng vừa đôn lên.
SLNA cho dù “đổi đời” dưới ông chủ mới nhưng cũng không “vung tay quá trán” trong chuyển nhượng. Đội bóng xứ Nghệ đang lo toan chuyện cơ sở vật chất, điều kiện ăn ở cho tốt lên so với ngày trước. Họ cũng chỉ cố gắng đưa Quế Ngọc Hải và Nguyễn Trọng Hoàng hồi hương để làm chỗ dựa cho lứa trẻ và làm “hình ảnh” của mình trong giai đoạn phát triển mới.
Thị trường chuyển nhượng đang xôn xao nhưng thực ra không nhiều “bom tấn”. Các đội bóng đều kiếm mảnh ghép mình còn thiếu mà thôi. Chính sách sử dụng “cây nhà lá vườn” đang được ưu tiên để cầu thủ trẻ có cơ hội ra sân và thi thố.
Thế cũng đủ là tín hiệu tốt cho V-League trong bối cảnh “bình thường mới”.
Trần Tuấn
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất