24/01/2016 08:16 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Ngay cả sau khi đã cắt đứt với HLV Jose Mourinho, về mặt thống kê Chelsea vẫn không khá hơn chút nào.
Chi tiền cho HLV là sai lầm
Sự sụp đổ của nhà ĐKVĐ là chưa có tiền lệ trong thời kỳ Premier League. Mourinho đúng là đã gây nhiễm độc cho phòng thay đồ Stamford Bridge, nhưng có vẻ riêng sự ra đi của ông chưa đủ để trả lại bầu không khí trong lành cho Chelsea.
Cho rằng HLV không có vai trò thật sự quan trọng trong bóng đá không phải là tư duy gì mới mẻ. Trong cuốn sách Why England Lose (Tại sao tuyển Anh thua trận), chẳng hạn, Simon Kuper và Stefan Szymanski cho rằng trong 10 năm bắt đầu từ 1998, tổng quỹ lương của CLB chiếm tới 89% vai trò trong việc quyết định vị trí trung bình của họ ở giải Ngoại hạng. Trong một cuốn khác, The Numbers Game (Trò chơi những con số), Chris Anderson và David Sally xem xét giai đoạn một thập kỷ 2001-02 tới 2010-11 và đưa ra một con số khác, một HLV chỉ có vai trò tối đa là 19% tác động lên việc một đội bóng về đích ở đâu vào cuối mùa.
Bài học rút ra là một đội bóng nên tập trung chi tiền cho cầu thủ thay vì HLV. Chelsea mùa này có thể là bằng chứng, khi Mourinho cho tới trước lúc bị sa thải được coi là nguyên nhân chính khiến họ không thể ngóc đầu lên được.
Có thể điều đó đúng, nhưng xét việc trong cả lịch sử chỉ có 4 HLV (Tom Watson, Herbert Chapman, Brian Clough và Kenny Dalglish) từng giành chức vô địch Anh với nhiều hơn 1 CLB, chúng ta có thể kết luận rằng rất hiếm khi một HLV thích hợp thấy ông ở cùng những cầu thủ thích hợp trong những hoàn cảnh thích hợp.
Cần sự lâu bền
Còn đáng nói hơn, số HLV đã giành chức vô địch Anh với Chelsea (Ted Drake, Mourinho và Carlo Ancelotti) bằng đúng số người từng làm được như thế với Manchester United (Ernest Mangnall, Matt Busby, Alex Ferguson), dù Man United là một đội giàu truyền thống và hùng mạnh hơn nhiều so với Chelsea tới trước thời Roman Abramovich.
Những CLB giàu hơn có thể thuê các HLV giỏi hơn, cũng như mua các cầu thủ chất lượng hơn, nhưng như Sally và Anderson đã chỉ ra, rốt cuộc thì chính các cầu thủ mới là người giành chức vô địch, chứ không phải các HLV. Và cũng chính các cầu thủ mới đẩy đội bóng vào tình cảnh tai họa không lối thoát, như Chelsea hiện giờ.
Lịch sử của Mourinho, thất bại thường xuyên của ông trong mùa giải thứ ba và những tin đồn về sự rạn nứt không thể hàn gắn trong phòng thay đồ cũng như văn phòng ban lãnh đạo Stamford Bridge, khiến việc sa thải ông nhuốm màu bi kịch và nhận được rất nhiều sự chú ý. Nhưng khác biệt rõ ràng nhất là những gì các cầu thủ Chelsea đã làm được mùa trước và không làm được mùa này. Cách họ chơi hoàn toàn khác nhau ở Champions League so với ở Premier League có lẽ cũng cho thấy họ không còn muốn đá vì Mourinho. Nhưng với Hiddink lúc này, cũng những cầu thủ đó đã phải lội ngược dòng 2 lần mới kiếm được trận hòa trước Everton thứ Bảy vừa rồi.
Rốt cuộc, Chelsea có thể không phải là một đội bóng bị hủy hoại bởi mối quan hệ nhiễm độc giữa HLV và các cầu thủ, mà đơn giản là một đội bóng đã đầu tư sai vào những người chơi bóng kém, và không HLV nào có thể thay đổi được điều đó.
Trần Trọng
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất