07/05/2022 06:31 GMT+7
Tuy nhiên, lịch sử huy hoàng của nó không thiếu những thông tin tam sao thất bản không đáng có.
Hai tên tuổi, một dự án
Porsche và Hitler đi vào lịch sử với tư cách là người khai sinh ra dự án lịch sử này. Ferdinand Porsche, một kỹ sư ô tô kiệt xuất, và Adolf Hitler, cỗ máy chính trị thúc đẩy dự án đầy tham vọng quân sự. Quốc trưởng cũng tự tay đặt viên gạch xây nhà máy Volkswagen năm 1938 ở Fallerleben, sau này được sáp nhập vào thành phố Wolfsburg. Bộ máy tuyên truyền khai thác rốt ráo sự kiện này và nói chung làm việc tốt đến nỗi, cho đến nay, nhiều người vẫn coi Hitler có công chế ra chiếc xe giá rẻ cho toàn dân!
Câu chuyện Con bọ thực ra bắt đầu trước đó 5 năm, vào đầu tháng 7/1935. Những chiếc xe mẫu đầu tiên ra mắt dân chúng đúng vào dịp ngoại trưởng Ba Lan qua thăm Berlin, khiến Hitler không thể có mặt. Kỹ sư Porsche phải một mình đón nhận những tràng pháo tay háo hức của đám quần chúng mong đợi được mua chiếc xe hơi cá nhân đầu tiên với giá phải chăng do Đức sản xuất.
Ở thời điểm ấy, chiếc xe còn chưa hề có tên Con bọ, mà vác trên mình một khẩu hiệu cồng kềnh và ngớ ngẩn là “Kraft durch Freude” tức “Sức mạnh từ niềm vui”, theo tên một tổ chức chính trị được trao nhiệm vụ vận động người dân tiết kiệm để mua xe. Mãi ba năm sau, tờ New York Times nghĩ ra cái tên dễ thương Beetle vì thấy cái xe giống con bọ dừa, người Đức dịch ngược sang tiếng Đức là Kaefer và lưu truyền tên đó đến hôm nay.
Người Đức và ô tô
Những chiếc xe có động cơ đầu tiên có cơ chế hoạt động như ô tô hôm nay là phát minh của hai kỹ sư Đức là Carl Benz và Gottlieb Daimler, do đó cũng chẳng có gì lạ, khi người Đức luôn kiêu hãnh về xe hơi do họ làm ra.
Nhà văn Wolfgang Buescher từng miêu tả tóm gọn quan hệ giữa người và xe ở Đức: Người Mỹ yêu súng ra sao thì người Đức yêu ô tô như vậy. Quả thực, người Mỹ coi khẩu súng giắt thắt lưng như biểu tượng của tự do, còn đối với người Đức thì ô tô tượng trưng cho sự thành đạt và khả năng dịch chuyển vô hạn.
Người Đức tiết kiệm từng đồng cho chiếc xe hơi, người Đức rảnh là kỳ cọ xe cho bóng loáng. Không hiếm người kẻ lên tường nhà xe của mình “Công dân tự do nghĩa là phóng xe tự do”, chỉ vì Đức là quốc gia duy nhất dưới gầm trời này hầu như không giới hạn tốc độ trên đường cao tốc, dù ai cũng biết rằng giới hạn tốc độ có thể làm giảm nguy cơ tai nạn và số người chết trên đường. Tất cả những điều này chỉ có thể hiểu được, khi ta biết lịch sử của Volkswagen.
Vào năm Hitler lên cầm quyền, những người theo chủ nghĩa quốc xã ở trong tình thế không cho phép nghĩ rằng Đức là quê hương của Daimler và Benz. Mặc dù chính phủ đã khởi xướng công nghiệp ô tô, nhưng chỉ có khoảng 500.000 xe hơi lăn bánh trên các con đường của Đức, tức là chỉ bằng một phần ba của Pháp, còn Mỹ thì khỏi phải so sánh. Ở đó, Henry Ford đã kiếm được cả núi tiền với chiến lược làm ra xe hơi phù hợp túi tiền của càng nhiều người càng tốt. Đó là lý do để đế chế Đức học mót ý tưởng của Ford và phấn đấu làm ra một chiếc xe có động cơ giá rẻ để chủ nhân của nó có thể di chuyển nhanh chóng và thoải mái.
Hơn 300.000 người tiết kiệm đã đi theo lời kêu gọi ấy, quả là một con số khổng lồ đối với một sản phẩm mới manh nha hiện hình trên bản vẽ. Mặc dù nhà máy sản xuất ô tô hiện đại nhất châu Âu được xây dựng ở Wolfsburg, nhưng tuyên bố tung ra 1,5 triệu xe khỏi dây chuyền lắp ráp mỗi năm với mức giá cuối cùng 990 Mark chỉ là một lời hứa suông. Sau khi hoàn thành khu liên hợp công nghiệp vào năm 1939, những chiếc xe chạy trên mọi địa hình đã được lắp ráp cho quân đội.
Thành công của Con bọ
Người đàn ông từng tự coi mình là “vị tướng vĩ đại nhất mọi thời”, không hề bận tâm đến lời hứa thất hứa của mình. Theo thống kê của Volkswagen, tính đến cuối Thế chiến II chỉ có khoảng 600 chiếc xe dân dụng rời khỏi nhà máy, chủ yếu cung cấp cho các cơ quan chính phủ và những người được chế độ ưu ái.
Thành công của Con bọ như một phần bản sắc của người Đức vậy là chỉ bắt đầu sau ngày 8 tháng 5 năm 1945. Dây chuyền sản xuất bắt đầu chạy vào tháng 12 năm 1945 với tổng số 55 chiếc. Nhưng sang năm 1946, Volkswagen đã sản xuất 10.000 chiếc ô tô, và vào năm 1947, Wolfsburg đã xuất khẩu những chiếc ô tô đầu tiên sang Hà Lan. Năm 1955, Volkswagen đã sản xuất một triệu Con bọ.
Nó là chiếc xe không thể hợp hơn với thời đại ấy. Nó là một người bạn đồng hành thân thiện, với công suất 24 mã lực, chắc chắn không nổi bật lắm, nhưng đã vận chuyển cả gia đình một cách đáng tin cậy và an toàn.
Nhưng Con bọ cũng có đóng góp lớn trong việc củng cố thể chế - xét cho cùng, nó đã hoàn thành lời hứa về khả năng dịch chuyển của mỗi cá nhân trong nhà nước mới. Đây chính xác là điểm mà chính quyền Hitler đã thất bại thảm hại, vì vậy nhà nước mới có cơ may tỏa sáng. Đặc biệt là kể từ khi các quốc gia khác ngày càng quan tâm đến Con bọ xinh xắn dễ thương, nó củng cố hình ảnh người Đức với công nghệ mạnh mẽ và một mức giá hợp lý. Đối với một dân tộc vừa có tiếng xấu trên toàn thế giới về tội ác của họ thời Phát xít, hình ảnh này đến rất đúng lúc.
Trên bình diện quốc tế, Volkswagen sớm tự thể hiện như một lực chọn khác với văn hóa Anh-Mỹ. Nó khác hẳn các xe hơi cồng kềnh uống xăng như nước lã của Mỹ, Con bọ nhỏ bé những cuối cùng lại chiến thắng nhờ sự thông minh và dai sức - những đặc điểm hiếm khi được quy về người Đức trên hành tinh này.
Danh tiếng của Con bọ Con bọ cuối cùng lăn bánh khỏi dây chuyền lắp ráp ở Mexico vào ngày 30 tháng 7 năm 2003, đó là chiếc xe đánh số 21.529.464. Ngày nay, Volkswagen vẫn là nhà sản xuất xe hơi lớn nhất thế giới, và nấp sau thương hiệu ấy là những cái tên hoành tráng như Bentley, Porsche và Audi. Ngay cả những đối thủ cạnh tranh như Mercedes hay BMW cũng được hưởng lợi từ danh tiếng về độ tin cậy và giá trị đáng đồng tiền bát gạo mà Con bọ mang lại trên toàn thế giới. |
Lê Quang
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất