05/12/2012 11:41 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Lucescu không xa lạ với bóng đá Ý. Vị HLV 67 tuổi từng là tuyển thủ Rumania từ 1966 đến 1979 này đã trải qua nhiều năm dẫn dắt các CLB Ý (Pisa, 1990-91; Brescia, 1991-95; Reggiana, 1995-97), trước khi đến Inter và bị sa thải mùa 1998/99. HLV của Shakhtar kể với nhật báo Italia Gazzetta dello Sport về triết lí bóng đá của ông.
"Triết lí bóng đá của tôi": Điều quan trọng đầu tiên là giáo dục, giáo dục về mọi mặt, từ thể lực, văn hóa cho đến vệ sinh. Thứ hai là thái độ. Những ai đối xử kém không thể có mặt trong đội của tôi được. Ở đội bóng của tôi, không có ngôi sao và không ai được cư xử như những ngôi sao. Thứ ba: kỉ luật. Tôi chưa bao giờ phạt tiền ai đó, mà chỉ đối thoại với anh ta, nếu không một lần, thì hai, ba lần, đến khi anh ta thay đổi. Thứ tư: lựa chọn. Tôi là người có tiếng nói cuối cùng về việc CLB mua ai. Cuối cùng, là chuẩn bị cho trận đấu, càng kĩ càng tốt.
"Bóng đá của tôi, bóng đá của ánh sáng ": Các CLB mà tôi dẫn dắt luôn chơi tấn công, với rất nhiều bàn thắng. Ở Ý, Brescia của tôi đá như thế. Tại Thổ Nhĩ Kì, Galatasaray của tôi có hàng công "khủng nhất". Dinamo Bucarest của tôi mùa 1988/89 đã ghi 130 bàn. Shakhtar mùa này có thể ghi được 100 bàn. Tôi luôn tạo ra nhiều hệ thống chơi khác nhau cho đội và các cầu thủ trên sân phải tư duy khá nhiều phương án trong các hoàn cảnh cụ thể. Khi tôi đến đây, ảnh hưởng của Lobanovski rất lớn. Hầu hết các đội đều chơi kèm người, với một libero. Sau đó, tôi giúp Shakhtar chiến thắng, và mọi người bắt đầu sao chép lối chơi cơ động, hiệu quả và không lường trước của chúng tôi.
"Tôi yêu nước Ý": Đấy là đất nước duy nhất mà mỗi đội bóng chơi một thứ bóng đá hoàn toàn khác nhau. HLV chẳng có quyền gì, vì chính các chủ tịch mới là người sắp đặt mọi thứ trước đó, ai ra sân, ai không. Thực ra tôi thích Serie B hơn là Serie A. Serie A là giải vô địch của các ông chủ. Ai nhiều tiền hơn thì thắng. Serie B hấp dẫn hơn, vì đấy là cuộc đọ sức của các HLV. Nó sản sinh ra các HLV. Tại Serie A, các HLV không thể trở thành các ngôi sao, vì các Chủ tịch thực ra muốn thành ngôi sao hơn. Họ ghen tị với các HLV".
"Tôi rất tôn trọng Juve": Tôi đã luôn theo dõi Juventus trong những năm qua, đặc biệt kể từ khi đội bóng trở lại đỉnh cao và xây dựng lại đội hình vì những mục tiêu xa hơn Serie A. Họ đầy phấn khích và háo hức làm những điều kì diệu. Không chỉ những cầu thủ trẻ như thế, mà cả các cựu binh như Pirlo hay Buffon".
A.N
Thể thao & Văn hóa
Shakhtar: Tiền bạc, ý tưởng và rất nhiều Brazil + Đầu tư hiệu quả: Ông chủ của Shakhtar, Akhmetov, là người giàu thứ 39 trên thế giới, nhưng không đổ tiền ồ ạt để mua cầu thủ như Abramovich, người đứng dưới ông 31 bậc. Shakhtar chủ yếu hướng vào việc mua cầu thủ một cách khôn ngoan, với một đội ngũ không có tên tuổi lớn, nhưng giàu sức cạnh tranh, với lương bổng khá hậu hĩnh (thậm chí đội trưởng Srna còn lắc đầu Barca...). + Khối Brazil: Họ gồm 8 người (nếu kể cả Eduardo, đã nhập tịch Croatia, thì là 9), với người đầu tiên được Lucescu đưa về là Matuzalem (10 triệu euro) trước khi làn sóng Brazil đổ về đây từ chính những người tài năng mà Lucescu chọn lựa, như Willian, Fernandinho, Texeira và Luiz Andriano. + Chiến thuật: Lucescu chiến thắng với sơ đồ 4-2-3-1, sau khi đã thử nghiệm rất nhiều phương án khác nhau. Khi có bóng, họ di chuyển như một đội bóng rổ. Fernandinho là đạo diễn của trận đấu, các cầu thủ đá cánh dâng lên, Luiz Adriano di chuyển rộng để lôi kéo các hậu vệ đối phương, Mkhitarian sẽ tận dụng các khoảng trống để lao vào dứt điểm. Nếu không tìm được khoảng trống, Shakhtar sẽ tích cực di chuyển không bóng và thực hiện đan bóng chẳng khác Barcelona để kéo dãn đối phương. Khi không có bóng, các cầu thủ sẽ lập tức gây áp lực lên đối phương để khiến họ không thể triển khai được bóng. Chelsea và Juventus hoàn toàn thấm thía điều này trong các trận gặp Shakhtar trước đó. |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất