17/06/2023 09:17 GMT+7 | Italy
Khi đám tang của cựu Chủ tịch Silvio Berlusconi kết thúc và thành phố Milan trở lại nhịp sống bình thường vốn có của nó, những suy nghĩ về tư tưởng, triết lý và cách mà Berlusconi đã làm được cho Milan trong quá khứ vẫn day dứt mãi.
1. Ông đã đưa Milan từ một đội bóng khủng hoảng và kiệt quệ thành một tượng đài của bóng đá Ý, đã thay đổi hình ảnh của bóng đá Ý trong một cuộc cách mạng về tư duy bóng đá, đã chiến thắng tất cả và trở thành một kiểu mẫu lớn lao. Nhưng không gì là mãi mãi và không ai là không thể thay thế. Sự ra đi của ông và gia đình khỏi Milan sau 30 năm khi đội bóng chuyển sang tay của những người chủ Trung Quốc và từ đó đến giờ trải qua thêm hai lần đổi chủ nữa, đều là các tập đoàn đầu tư của Mỹ, cho thấy một điều quá rõ ràng: Một cuộc cách mạng không thể kéo dài nếu người ta không thể khuếch trương mãi những điều tích cực của nó.
Berlusconi và gia đình ông đã trở nên lỗi thời trong cuộc đua với những đối thủ khác khi họ không còn tạo ra những cuộc cách mạng nữa, và Milan bắt đầu tụt hậu kể từ khi ông dùng thành công của đội bóng làm bàn đạp chính trị để bước vào chính trường Italy. Khi Berlusconi chia tay Milan, họ đã chỉ còn là một thế lực cũ kĩ chìm trong khủng hoảng và đã cách những đội bóng giàu có hàng đầu châu lục một khoảng cách mênh mông. Thế nhưng, vẫn còn nhiều người đến giờ tiếc nuối Milan của thời đại ấy. Đơn giản bởi một lẽ, những đỉnh cao vinh quang chói lọi ngày ấy Milan không còn vươn tới được nữa. Một thời đã lùi xa, và việc Milan giờ trở thành một đội bóng quốc tế với chủ là người Mỹ và trong đội hình cầu thủ nước ngoài nhiều hơn cầu thủ Ý là một lẽ quá hiển nhiên.
Milan ấy đã và đang đặt lợi nhuận và hiệu quả lên trên hết, bất chấp mọi điều, kể cả quá khứ và lịch sử của câu lạc bộ. Ví dụ điển hình nhất chính ở chỗ, chỉ sau một năm sở hữu Milan, những người chủ mới đã không cần đến một biểu tượng như Paolo Maldini khi chia tay anh, một cái tên gắn bó với quá khứ hào hoa của Milan, một khi họ cảm thấy anh không còn phục vụ cho đường lối của họ nữa. Điều đó giống hệt cách mà những người chủ Mỹ khác đã làm ở Roma khi cũng không cần đến một biểu tượng lớn của đội bóng là Francesco Totti.
2. Thành công của Milan trong triều đại ngắn ngủi của quỹ đầu tư Eliott, đoạt Scudetto và trở lại Champions League, đồng thời cắt giảm tối đa thâm hụt đã đặt nền móng cho một Milan mới của Redbird, những người đã ăn mừng một cột mốc mới được lập ra trong mùa bóng vừa kết thúc: Không phải là việc đã vào bán kết Champions League, mà là nền tài chính ở mức dương. Không lỗ, không nợ, không thâm hụt và tiền thưởng từ Champions League đã dẫn đến một Milan khoẻ mạnh hơn về tài chính. Đó như một sự khởi đầu mới sau 7 năm Milan rời tay Berlusconi với một bảo tàng đầy rẫy danh hiệu nhưng két sắt trống rỗng và nợ nần đầm đìa. Một Milan như thế cần những người Mỹ nhanh nhạy, lạnh lùng và không nể nang bất cứ ai, dù người đó có tên Paolo Maldini đi nữa, để bắt đầu một thời đại mới, với một đội bóng mới xoay quanh con người sẽ là biểu tượng mới, Rafael Leao.
Mùa bóng tới, Leao sẽ mang trên lưng chiếc áo số 10, số áo mà những huyền thoại quá khứ vàng son của Milan trong kỷ nguyên Berlusconi đã mang, từ Dejan Savicevic, Zvonimir Boban, Rui Costa cho đến Clarence Seedorf. Anh sẽ là thủ lĩnh mới của đội bóng, một ngôi sao trên sân cỏ, và những nhà quản trị kiểu Mỹ sẽ là ngôi sao trên lĩnh vực tài chính, khi Redbird hướng đến việc xây một sân vận động mới cho Milan, và trong tương lai gần, cố gắng nâng tổng doanh thu hàng năm lên gấp rưỡi hiện tại để đạt con số hơn nửa tỷ euro. Không ai sống mãi bằng hoài niệm. Berlusconi và thời đại đầy cảm tính nhưng thua lỗ nặng nề của ông sẽ chìm vào lịch sử, để nhường chỗ cho một thời đại mới của lý tính. Milan ấy có thể không có nhiều fan như thời vinh quang đầy rẫy danh hiệu, không cả Maldini, nhưng sẽ lâu bền hơn, và rồi họ sẽ trở lại với đỉnh cao…
Anh Ngọc
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất