22/11/2024 11:08 GMT+7 | Tin tức 24h
Văn phòng UBND thành phố Hà Nội vừa có thông báo kết luận của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh tại buổi làm việc về tình hình triển khai đầu tư xây dựng một số cầu lớn qua sông Hồng như: Cầu Tứ Liên, cầu Trần Hưng Đạo và cầu Ngọc Hồi…
Theo đó, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội thống nhất chủ trương thực hiện 3 cây cầu qua sông Hồng nêu trên bằng nguồn vốn ngân sách.
Cụ thể, UBND thành phố Hà Nội thống nhất chủ trương dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên bằng vốn đầu tư công (theo hướng hợp đồng EPC). Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội phân công Phó Chủ tịch Dương Đức Tuấn làm việc với doanh nghiệp để trao đổi, thống nhất phương án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên đảm bảo khả thi, hiệu quả, sớm triển khai xây dựng.
Sở Kế hoạch và Đầu tư được giao khẩn trương xem xét tờ trình của Sở Giao thông Vận tải về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư, tham mưu, đề xuất, báo cáo UBND thành phố trình cơ quan có thẩm quyền tổ chức thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư trong tháng 1.2025. Tham mưu bố trí vốn đầu tư công thực hiện dự án đầu tư. Trước đó, tổng mức đầu tư cầu Tứ Liên được tạm tính là 19.959 tỉ đồng.
UBND thành phố Hà Nội thống nhất về chủ trương thực hiện Dự án xây dựng cầu Trần Hưng Đạo bằng nguồn vốn đầu tư công. Giao Sở Giao thông Vận tải khẩn trương tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, trình cơ quan có thẩm quyền tổ chức thẩm định, phê duyệt theo đúng quy trình; báo cáo UBND thành phố trong tháng 2/2025.
Lãnh đạo UBND thành phố cũng thống nhất về chủ trương thực hiện dự án đầu tư xây dựng cầu Ngọc Hồi và đường dẫn 2 đầu cầu bằng nguồn vốn đầu tư công. Giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc tham mưu, đề xuất UBND thành phố việc tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc cầu chính bắc qua sông Hồng, báo cáo UBND thành phố trong tháng 12 năm nay.
Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, cầu Ngọc Hồi và đường dẫn hai đầu cầu nằm trên tuyến đường Vành đai 3,5 được đầu tư với quy mô đường trục chính đô thị, tốc độ thiết kế 80km/h. Toàn bộ tuyến chính là cầu trên cao, cầu được thiết kế vĩnh cửu bằng thép hoặc bê tông cốt thép dự ứng lực. Theo đó, dự án có quy mô dự kiến dài 6,5 km, rộng 80 m. Địa điểm thực hiện dự án tại các huyện Thanh Trì, Gia Lâm (thành phố Hà Nội) và huyện Văn Giang (tỉnh Hưng Yên). Tại vị trí được xây dựng cầu Ngọc Hồi, xung quanh có rất nhiều đô thị lớn đã, đang triển khai, điển hình như: Vinhomes Đại An, Vinhomes Dream City, Khu đô thị Ecopark… Dự án cầu Ngọc Hồi khi được xây dựng và hoàn thiện, sẽ giúp giảm tình trạng ùn tắc giao thông ở cầu Thanh Trì, mở ra thêm những cung đường rộng rãi, thuận tiện cho các phương tiện lưu thông.
Cầu Tứ Liên là công trình giao thông quan trọng nằm trong Chương trình 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025. Dự án cầu Tứ Liên là một trong những công trình giao thông trọng điểm của thành phố Hà Nội, nằm trong Quy hoạch giao thông vận tải đến năm 2030, tầm nhìn 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Địa điểm xây dựng cầu sẽ nằm giữa cầu Nhật Tân và cầu Long Biên, nối phường Yên Phụ, Tứ Liên (quận Tây Hồ) với huyện Đông Anh; kết nối từ tuyến đường trục chính đô thị quy hoạch dọc đê Hữu Hồng với quốc lộ 5 kéo dài, thuộc địa bàn quận Tây Hồ, quận Long Biên và huyện Đông Anh.
Hiện tại, bờ phía Tây sông Hồng là đường vành đai chính kết nối cầu Nhật Tân với cầu Long Biên, Chương Dương nên chịu áp lực giao thông rất lớn. Khi đi vào hoạt động, cầu Tứ Liên không chỉ san sẻ áp lực cho các cầu hiện hữu mà còn gia tăng hiệu quả phân luồng giao thông, đồng thời giảm thiểu tình trạng ùn tắc tại các tuyến đường chính.
Dự án cầu Trần Hưng Đạo nằm trên địa bàn các quận Hoàn Kiếm (các phường: Phan Chu Trinh, Chương Dương), quận Hai Bà Trưng (phường Bạch Đằng) và quận Long Biên (các phường Long Biên, Bồ Đề, Gia Thụy). Điểm đầu dự án tại ngã 5 phố Trần Hưng Đạo - Trần Thánh Tông; điểm cuối tại khu vực giao cắt với quốc lộ 5A (đường Nguyễn Văn Linh). Chiều dài toàn tuyến khoảng 5,6 km. Cầu được xây dựng vĩnh cửu với quy mô 6 làn xe cơ giới, 2 làn xe đạp, 2 làn đi bộ, tốc độ thiết kế 80 km/h.
Các cầu nhánh trong nút giao có bề rộng từ 7 đến 9 m. Các nút giao trên tuyến được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh gồm: nút giao phía quận Hoàn Kiếm (giao với đường đê Hữu Hồng, Trần Hưng Đạo), nút giao với đường Cổ Linh, nút giao với đường Nguyễn Sơn và nút giao với đường Nguyễn Văn Linh. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật, tổ chức giao thông, cây xanh… được đầu tư đồng bộ bảo đảm quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành.
Hiện nay, từ các quận nội thành Hà Nội có 9 cầu vượt vắt qua sông Hồng, gồm: Thăng Long, Nhật Tân, Long Biên, Chương Dương, Vĩnh Tuy giai đoạn 1 và Vĩnh Tuy giai đoạn 2, Thanh Trì, Vĩnh Thịnh, Văn Lang và cầu Trung Hà bắc qua sông Đà (gần vị trí hợp lưu với sông Hồng).
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất