11/10/2015 06:27 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Một trong những điều kiện tiên quyết để Juergen Klopp đồng ý tới dẫn dắt Liverpool là CLB phải để cho ông “có tiếng nói cuối cùng” trong các hoạt động chuyển nhượng.
Dưới thời Brendan Rodgers, các ông chủ Mỹ đã thành lập ở Anfield cả một ủy ban chuyển nhượng để xử lý các vụ mua cầu thủ. HLV người Bắc Ireland cũng là một thành viên của ủy ban này, nhưng tiếng nói của ông có trọng lượng tới đâu là điều chỉ những người trong cuộc mới biết. Kết quả, Rodgers phải hài lòng với những gì mà ông được trao và dù đã bị sa thải vì các kết quả thất vọng trên sân, ông không phải là người duy nhất phải chịu trách nhiệm về nỗi thất vọng ở Anfield.
Ủy ban chuyển nhượng đã thất bại?
Ủy ban chuyển nhượng 5 người của Liverpool được thành lập từ mùa Hè 2012, cũng vào thời điểm Rodgers được mời về đội bóng vùng Merseyside. Sau khi đã chi ra 291 triệu bảng để mua cầu thủ kể từ đó, dễ hiểu là ủy ban này đã và đang hứng chịu rất nhiều chỉ trích. Trừ Rodgers, những thành viên khác trong ủy ban là Ian Ayre, Giám đốc điều hành; Dave Fallows, Trưởng bộ phận chiêu mộ cầu thủ; Barry Hunter, tuyển trạch viên trưởng; và Michael Edwards, Giám đốc kỹ thuật.
Fallows, vốn là cựu trưởng bộ phận chiêu mộ cầu thủ ở Man City, được tập đoàn sở hữu Liverpool Fenway Sports Group (FSG) đưa về; Hunter cũng là một người cũ của Man City và là bạn Rodgers từ những ngày họ còn ở Reading. Edwards là chuyên gia về thống kê và dữ liệu, tư vấn cho FSG về “Moneyball”, đánh giá bằng thống kê để có thể mua rẻ, bán đắt trong thể thao.
Trừ Hunter phải đi lại nhiều, Ayre, Fallows và Edwards đều có văn phòng ngay ở sân tập Melwood của Liverpool. Hầu như mỗi tuần, ủy ban (gồm cả Rodgers) gặp nhau để trao đổi về các mục tiêu chuyển nhượng. Quá trình ra quyết định có thể là sự đồng thuận của 5 người, nhưng dựa trên phản ứng của Rodgers trong một số vụ chuyển nhượng, có thể tin rằng có cả những lần Liverpool đã quyết định mua bán mà không thông qua ông.
Ông từng muốn có Clint Dempsey hồi mùa Hè 2012, nhưng rồi vụ tưởng như đã xong này lại đổ bể trong phút chót một cách khó hiểu, khiến ông chủ Mỹ John W Henry phải viết một lá thư công khai xin lỗi và giải thích với các CĐV áo đỏ. Rodgers cũng đã không thể đưa về các mục tiêu khác của ông cho hàng thủ, Ashley Williams từ Swansea, hay Ryan Bertrand từ Chelsea. Có thể thấy rõ vai trò của quan điểm “Moneyball” trong các thương vụ này, khi thay vào đó, Liverpool đưa về Joe Allen, Luis Alberto và Mamadou Sakho, đều trẻ hơn với hy vọng bán lại có lãi (nhưng tới giờ đều là các chữ ký không thật thành công).
Klopp phải khác?
Ayre, Giám đốc điều hành, chịu trách nhiệm thương thuyết, chốt giá chuyển nhượng và xử lý thủ tục hợp đồng. Fallows và Hunter cùng nhau quản lý hệ thống theo dõi các cầu thủ mục tiêu và nhận báo cáo từ mạng lưới các tuyển trạch viên rồi lên danh sách rút gọn các chữ ký tiềm năng. Hunter cũng là người thực hiện các báo cáo theo yêu cầu của HLV trưởng hoặc ủy ban. Edwards làm việc thuần túy với dữ liệu và con số để định giá cầu thủ. Nhìn phân công công việc như thế, rõ ràng Rodgers còn rất ít tiếng nói trong các hoạt động chuyển nhượng ở Liverpool.
Có vẻ như 3 năm về trước khi bổ nhiệm Rodgers, các ông chủ Mỹ thuộc Tập đoàn Fenway Sports (FSG) không hoàn toàn tin tưởng cựu HLV Swansea, vốn chưa có kinh nghiệm làm việc với các đội bóng lớn cũng như chưa có danh hiệu đáng kể nào. Tuy nhiên, Klopp sẽ là câu chuyện hoàn toàn khác. HLV người Đức đã có 2 chức vô địch quốc gia, từng vào chung kết Champions League và xét những gì ông đã trải qua ở Dortmund, sẽ không chấp nhận sự chỉ đạo liên quan tới những vấn đề chuyên môn của ông như chiến thuật, chuyển nhượng hay nhân sự.
T.Trọng
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất