05/09/2018 07:14 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Hôm nay (5/9), cả nước đồng loạt tổ chức khai giảng năm học mới cho hơn 22 triệu học sinh, sinh viên đến trường. Không khí chung của ngày khai giảng luôn là sự tươi mới, phấn chấn, nên với đa số sĩ tử, đặc biệt là học sinh tiểu học, thường khá nôn nao chuẩn bị trang phục, đồ dùng cho thơm tho, tươm tất. Nhiều phụ huynh cũng xin nghỉ làm để đưa con đến trường...
Tuy nhiên vẫn còn khá nhiều học sinh không được suôn sẻ, dễ dàng như vậy. Như TTXVN đã đưa tin: “Không cầu, không phà, không bè, học sinh tiểu học, trung học cơ sở bản Nà Ui, xã Nậm Sỏ, huyện Tân Uyên (Lai Châu) phải băng qua con suối Pá Đành chảy cuồn cuộn để tới trường kịp dự khai giảng năm học mới”…
Điều này cũng tương tự xảy đến với học sinh ở xã An Phúc (huyện Đông Hải, Bạc Liêu); hoặc học sinh ở xã Canh Liên (huyện Vân Canh, Bình Định)… Trên cả nước hẳn còn nhiều địa chỉ “vượt khó, vượt nguy hiểm” để đến trường giống như vậy.
Ở đây, xin không bàn đến những thiệt thòi, thiếu thốn gần như đương nhiên của các học sinh tại đây, vốn cần rất nhiều chính sách và nỗ lực dài lâu về vi mô, vĩ mô mới khắc phục nổi. Chỉ xin nói về tinh thần quyết chí đưa trẻ đến trường của các bậc phụ huynh, mà chỉ có họ mới đủ sức làm nên những câu chuyện đẹp về vượt khó để học, để học giỏi. Càng phải cảm ơn các thầy cô đã chịu khó chịu khổ khi bám trụ ở các địa bàn còn quá nhiều thiếu thốn, thua thiệt này.
Chỉ khi sinh ra trong các gia đình nghèo, ở những địa phương nghèo, người đi học mới dễ cảm nhận được ý nghĩa và sức mạnh từ việc học, vì không học gần như không có tương lai.
“Học để bớt khổ, bớt nghèo” là câu nói cửa miệng của các bậc phụ huynh nơi đây.Câu nói này khá giống tư tưởng của Phan Châu Trinh (1872-1926) từ năm 1907 là “chi bằng học”. Trên báo “Tiếng dân” số 613 năm 1933, trong bài “Hiện trạng vấn đề” có nhắc lại, trong đó có câu: “Không trông người nước ngoài, trông người nước ngoài tất ngu! Đồng bào ta, người nước ta, ai mà ham mến tự do, tôi xin có một vật rất quý báu tặng cho đồng bào, là chi bằng học” - lời Phan Châu Trinh.
Những năm đầu thế kỷ 20, Việt Nam có hơn 95% dân số mù chữ, chính tư tưởng "chi bằng học" này đã trở thành sứ mệnh tiên quyết khi tái thiết đất nước. “Diệt giặc dốt” quan yếu chỉ sau “diệt giặc đói”. Theo thống kê của Vụ Giáo dục thường xuyên (Bộ Giáo dục và Đào tạo), trong năm học 2017-2018, cả nước còn gần 2 triệu người mù chữ, nhưng số người muốn đi học xóa mù lại rất ít, vì thiếu phương tiện và động lực. Đưa ra con số này trong ngày khai giảng để một lần nữa khâm phục ý chí của phụ huynh, của học sinh, của giáo viên vùng sâu vùng xa, nếu thiếu nhận thức“chi bằng học” của họ thì cả nước số người mù chữ sẽ còn nhiều hơn nữa.
Sau 70 năm diệt giặc dốt, tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi 15-50 của Việt Nam là 97,3%, còn trong độ tuổi 15-35 là 98,5% - số liệu do Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra trong hội nghị sơ kết 3 năm (2013-2015). Đây là một nỗ lực rất đáng kể, nhất là với một nước đangphát triển như Việt Nam. Cũng nên lưu ý, theo số liệu của UNESCO, đến năm 2017, thế giới còn hơn 750 triệu người mù chữ cơ bản (chiếm khoảng 10% dân số thế giới), trong đó có gần 102 triệu người ở độ tuổi 15-24 tuổi. Năm 2017 cũng là năm mà thế giới kỷ niệm 51 năm Ngày quốc tế xóa nạn mù chữ.
Hiện nay Việt Nam đang hướng đến nền kinh tế tri thức, về nhân lực trình độ cao, nên tư tưởng “chi bằng học” vẫn còn nguyên giá trị thời sự. Thiết nghĩ từ thành tựu phổ cập giáo dục đã có, tự thân mỗi người, mỗi tổ chức cần bổ sung, cập nhật thêm vấn đề thực học để tư tưởng “chi bằng học” bổ ích hơn, thực tiễn hơn.
Vô Ưu
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất