21/03/2023 08:24 GMT+7 | Văn hoá
Mấy tuần qua, đã có mấy trang facebook mời chào tôi đăng ký tài khoản ChatGPT với quảng bá khá đặc biệt.
Nào là, "dựa trên các đối thoại nguyên mẫu để hiểu ngôn ngữ tự nhiên với phạm vi trao đổi không giới hạn như 2 người nói chuyện trực tiếp", "có khả năng đưa ra giải pháp cho các vấn đề một cách trực tiếp, có khả năng trả lời các câu hỏi dựa trên hơn 1,75 tỷ tham số khác nhau", "rất nhiều những kiến thức kinh ngạc".
Nào là, "tối ưu hóa thời gian và công sức trong công việc như: giúp tìm kiếm thông tin, trả lời câu hỏi hoặc sáng tạo nội dung chuyên nghiệp dựa trên bộ não cực khủng được nạp bởi lịch sử nhân loại".
Rồi hôm qua, một cô bạn tôi kể về việc gửi bài thơ được tặng năm 17 tuổi, đề nghị ChatGPT phân tích.
Thơ rằng "Trái tim em như chiếc xe bus/ Lắc lư đầy đàn ông/ Con đường tình yêu lởm chởm những ổ gà/ Tôi cọc cạch vòng xe rỉ sét/ Đạp vào hư không". ChatGPT khẳng định: Đó là thơ của Trần Đăng Khoa, sau đó phân tích rất ngô nghê.
Tôi copy gửi Trần Đăng Khoa, ông bạn la oai oái rồi cả 2 cười nghặt nghẽo.
Liên tưởng những câu trả lời của ChatGPT mà nhiều người đã share, tôi càng buồn cười. Cũng có thể lấy ví dụ về việc tra cứu trên Google để hiểu hơn về câu chuyện này.
Mấy chục năm nay, tôi vẫn tra cứu trên Google. Kinh nghiệm cho thấy với mọi sự kiện, vấn đề, hiện tượng... cần tìm hiểu, khảo sát, Google cung cấp nhiều (rất nhiều) nguồn thông tin khác nhau, trong đó có thông tin sai lạc, quan điểm trái ngược.
Vì thế muốn có hiểu biết chính xác cần so sánh, đối chiếu, sàng lọc, lựa chọn... chứ không phải "Google bảo gì nghe nấy". Đặc biệt khi cần thiết có thể phản biện. Theo đó, nếu chủ động và tích cực, người khai thác thông tin từ Google không bị đánh mất tư cách một chủ thể tiếp nhận sáng suốt và sáng tạo.
Đọc một số bài viết về ChatGPT và một số câu trả lời của ChatGPT, tôi có cảm giác ChatGPT không phải là hệ thống mở như Google, và người sử dụng ChatGPT không có cơ hội để so sánh, đối chiếu sàng lọc, lựa chọn, phản biện, sáng tạo...?
AI (trí tuệ nhân tạo) với ứng dụng ChatGPT của nó có thể là một phát minh lớn của con người. Nhưng ngược lại, thiếu kiến thức nền tảng, thiếu chủ kiến, lại không chịu động não suy nghĩ, chăm chăm dựa vào kiến thức do ChatGPT cung cấp rất dễ dẫn tới tình trạng "nô lệ AI". Tức là ỷ lại, chỉ dựa vào AI, coi câu trả lời của AI là kiến thức cơ bản, là kết luận cuối cùng.
Xét cho cùng thì trong lịch sử đã có tình trạng "nô lệ trí tuệ". Như ở Việt Nam, quan điểm "ôn cố tri tân" (ôn cũ biết mới), lối tư duy từ điển, kiểu học hành và suy nghĩ kinh viện, thi cử theo văn mẫu... chính là các dạng thức khác nhau của "nô lệ trí tuệ".
Với những gì đang có, tôi tin rồi đây, dù kho dữ liệu của ChatGPT có đến 175 tỷ tham số khác nhau, nó vẫn không thể thay thế trí tuệ con người. Hơn nữa trong cuộc sống, bên cạnh trí tuệ, con người cần cả trái tim, mà trái tim thì không máy móc nào có thể thâm nhập, bao quát. Như F. Rabelais đã nói thì "Khoa học mà không có lương tâm chỉ là sự tàn lụi của tâm hồn".
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất