06/10/2022 19:00 GMT+7 | Giải Bùi Xuân Phái
Sau cảnh hoang phế kéo dài nhiều năm, ngôi biệt thự Pháp cổ tại ngã tư Trần Hưng Đạo - Hàng Bài đang “lột xác” để trở thành một điểm đến văn hóa đặc thù của Hà Nội theo một dự án do UBND quận Hoàn Kiếm thực hiện.
Cụ thể, dự án có tên gọi Bảo tồn, sửa chữa, chống xuống cấp nhà biệt thự số 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài, khởi công ngày 27/4 và nằm trong Thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2010 - 2015 và giai đoạn 2022 - 2025 giữa thành phố Hà Nội và vùng Ile-de-France (Cộng hòa Pháp). Đây cũng là dự án gắn với chương trình 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) về Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025. Dự án được đề cử Giải Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội ở hạng mục giải Việc làm.
Nhiều năm bị lãng quên
Các thông tin hiện tại cho biết, biệt thự này đã từng đổi chủ khá nhiều lần trong giai đoạn sau 1954. Gần nhất, vào thập niên 1980, nơi đây là trụ sở của NXB Văn học, tuy nhiên cũng có những hộ dân ở xen kẽ.
Tới năm 2005, khi NXB Văn học chính thức chuyển tới địa điểm mới, khu vực này từng được lên kế hoạch để xây dựng trụ sở của Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Nội. Tuy nhiên, vào cuối 2009, UBND Thành phố Hà Nội đã có quyết định dừng triển khai dự án, đồng thời giao UBND quận Hoàn Kiếm làm chủ đầu tư tiếp tục thực hiện công tác giải phóng mặt bằng để tạo quỹ đất sạch.
Tới năm 2019, UBND quận Hoàn Kiếm đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, di chuyển các hộ dân tại đây, đồng thời tổ chức nghiên cứu, khảo sát về kiến trúc hiện có để xây dựng đề án bảo tồn biệt thự mẫu 49 Trần Hưng Đạo làm Trung tâm giao lưu văn hóa khu phố cũ và được thành phố chấp thuận. Cụ thể, dự án được giao cho Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội (thuộc UBND quận Hoàn Kiếm) làm chủ đầu tư, đồng thời có sự hợp tác từ các chuyên gia của Ile-de-France (vùng thủ đô Pháp).
“Đây là dự án có kĩ thuật xây dựng và việc sử dụng vật liệu rất đặc biệt nên đòi hỏi được nghiên cứu kĩ lưỡng, cũng như có sự tính toán phù hợp về phương án bảo tồn. Cộng cùng những vấn đề về giải phóng mặt bằng, lên kế hoạch đầu tư…., khoảng thời gian chuẩn bị cho dự án là khá lớn” - ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, cho biết.
Ở thời điểm tiến hành trùng tu, sau nhiều năm quây tôn bỏ hoang, biệt thự đã bị bong tróc nham nhở, trên hệ thống trần nhà và cột chống xuất hiện nhiều vết nứt. Chưa kể, việc một số hộ dân từng sinh sống tại đây cũng khiến không gian này bị biến đổi mạnh khi mất đi một số chi tiết kiến trúc cũ và xuất hiện thêm những công trình tạp nham tự phát.
Quá trình tu bổ “kiểu mẫu”
Theo kết quả nghiên cứu và phân tích, biệt thự được trùng tu nằm trên diện tích khoảng 1000m2 với 2 mặt tiền thuộc các phố Trần Hưng Đạo và Hàng Bài. Trong đó ngôi biệt thự chính có diện tích khoảng 400m2 (2 tầng ở, 1 tum), không gian còn lại theo kiến trúc gốc gồm là sân, cây xanh, các khu công trình phụ trợ bao gồm nhà vệ sinh, nơi ở cho người giúp việc.
Trên cơ sở này, việc phục hồi công trình được thực hiện dựa theo nguyên tắc tắc bảo tồn tối đa các yếu tố gốc, đồng thời sử dụng các giải pháp kỹ thuật truyền thống và áp dụng giải pháp công nghệ hiện đại đảm bảo không làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc và phát huy giá trị của công trình.
Đáng nói, theo ông Phạm Tuấn Long, dù công trình chưa được xếp hạng, nhưng phía thực hiện dự án đã áp dụng đầy đủ các tiêu chuẩn theo đúng quy định của Luật Di sản văn hóa đối với việc bảo tồn và trùng tu một công trình di tích đã được xếp hạng cấp Quốc gia - kể từ việc hạ giải đánh giá cấu kiện cho tới lựa chọn phân tích các nguyên vật liệu để lựa chọn các biện pháp tu bổ cho phù hợp.
Cụ thể hơn, theo KTS Nguyễn Hoàng Phương (Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội), bên cạnh các yêu cầu đặc thù về vấn đề bảo tồn, điểm đặc thù của dự án này còn nằm ở sự phức tạp trong chuyển đổi công năng - khi công trình đòi hỏi vừa giữ nguyên được hình dáng cũ, đồng thời phải đáp ứng được các công năng mới khi đưa vào sử dụng. Trong quá trình làm việc, các chuyên gia tư vấn Pháp đã có những tư vấn quan trọng về việc xây dựng các hạng mục phụ trợ cho công trình chính với phong cách kiến trúc đương đại nhưng hài hòa với tổng thể cảnh quan khuôn viên công trình.
Ngoài các lựa chọn về phương án kiến trúc và kết cấu kỹ thuật, việc sử dụng vật liệu xây dựng và kỹ thuật thi công tại dự án cũng được triển khai trên cơ sở bảo tồn và tôn trọng tối đa các yếu tố gốc như sử dụng vữa vôi, trần vôi rơm, sàn vỉa gạch.
Đặc biệt, không gian này trong tương lai cũng là nơi liền kề với nhà ga ngầm C11 của tuyến đường sắt đô thị số 3 đã được quy hoạch. Do vậy, dự án còn được tính tới việc “tích hợp” với không gian của ga ngầm metro C11 trong tương lai, - cụ thể là điều chỉnh vị trí của khối công trình phụ và để sẵn diện tích khoảng 250m2 đất phục vụ cho việc xây dựng tháp tản nhiệt của ga metro theo quy hoạch.
Theo ông Phạm Tuấn Long, vào cuối năm 2022 này, phần trùng tu ngôi nhà chính của biệt thự sẽ được hoàn thành. Tiếp đó, các hạng mục còn lại sẽ được triển khai và hoàn thiện vào cuối 2022.
Lan tỏa tác động tích cực
Nằm tại khu vực trung tâm - nơi có khá nhiều biệt thự Pháp cổ - lại nơi gắn với ga ngầm metro trong tương lai (có quy hoạch hệ thống bãi đỗ xe ngầm), có thể thấy biệt thự 49 Trần Hưng Đạo giữ vị trí rất đắc địa đối với vùng nội đô cũ của Hà Nội. Và theo đề án, sau khi tu bổ không gian này sẽ được sử dụng làm Trung tâm giao lưu văn hóa khu phố cũ (khu phố Pháp) của thành phố.
Như dự kiến, các chức năng chính của Trung tâm sẽ bao gồm: Giới thiệu về giá trị di sản vật thể, phi vật thể của khu phố cũ (khu phố Pháp) tới du khách trong nước và quốc tế; Tiếp nhận, tổ chức các hoạt động biểu diễn các loại hình nghệ thuật, di sản phi vật thể của các quốc gia trong và ngoài Châu Á; Giới thiệu về lịch sử hình thành và phát triển của khu phố cũ; Cung cấp thông tin cho du khách và các nhà khoa học nghiên cứu về khu phố cũ, đồng thời tổ chức các hoạt động quảng bá giá trị di sản của khu vực này.
Trước mắt, theo ông Phạm Tuấn Long, quá trình tu bổ ngôi biệt thự này với những giải pháp mang tính kiểu mẫu và điển hình sẽ được giới thiệu tại đây để phục vụ du khách. Xa hơn, các chuyên gia của Ile-de-France dự kiến cũng sẽ tiếp tục làm việc với quận Hoàn Kiếm để hỗ trợ xây dựng nội dung trưng bày - đặc biệt là về các biệt thự Pháp cổ tại Hà Nội.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, việc khai thác biệt thự 49 Trần Hưng Đạo theo hướng này là minh chứng rõ nét cho việc phát huy giá trị công trình như một thiết chế văn hóa phục vụ cộng đồng, đồng thời gắn với chiến lược đồng bộ trên 2 khía cạnh bảo tồn và phát huy giá trị đối của một di sản đô thị.
“Sau rất nhiều chậm trễ trong việc quản lý quỹ biệt thự cổ trên địa bàn thành phố, có thể coi đây là một khởi động tích cực để làm tăng hàm lượng văn hóa của Hà Nội, cũng như góp phần bảo vệ một vốn di sản quan trọng của thành phố. Tôi hi vọng, khi đi vào hoạt động, không gian này sẽ có sự lan tỏa và tạo ra tác động lớn về ý thức gìn giữ những kiến trúc thuộc địa - nơi đã là chứng nhân đánh dấu thời điểm Việt Nam lần đầu tiếp xúc với văn minh phương Tây trong quá khứ” - nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết.
“Công trình đòi hỏi có sự am hiểu rất sâu về kĩ thuật xây dựng, cũng như việc sử dụng vật liệu xây dựng ở thời điểm cách đây hơn 100 năm. Chúng tôi cũng có may mắn được sự hỗ trợ rất lớn từ những KTS hàng đầu của Pháp về lĩnh vực kiến trúc và bảo tồn di sản để lựa chọn và đưa ra những phương án phù hợp nhất” (Ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm). |
Cúc Đường
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất