16/06/2023 08:08 GMT+7 | Văn hoá
Sophia thân mến! Thật tốt biết bao nếu mở đầu mỗi chương trình giải trí phát sóng trên tivi hay trên YouTube ngày nay, sau phần nhạc hiệu, các nhà sản xuất thêm dòng chữ: "Chương trình sắp chiếu có nội dung cãi nhau như ngoài chợ, khán giả cân nhắc trước khi xem", thì tốt biết mấy.
Thêm dòng ấy để làm chi Sophia biết không? Thì để còn cảnh báo mấy đứa em, đứa cháu rằng chúng sắp sửa coi cái gì, giải thích với chúng là người ta chỉ "diễn" trên màn hình vậy thôi chứ ngoài đời không ai đỏ mặt tía tai vì mấy chuyện cỏn con như thế hết.
Nói như vậy với Sophia, bởi gần đây, khán giả lại một lần lắc đầu ngao ngán trước những màn cãi tay đôi sinh tử trên một chương trình truyền hình thực tế cũng gọi là có "thâm niên" lên sóng ở Việt Nam, và cũng giống như Thủy Tinh mỗi năm dâng nước đánh ghen Sơn Tinh, năm nào các tiết mục cãi nhau chí chóe, thái độ "lồi lõm" (giữa thí sinh với thí sinh, huấn luận viên với thí sinh, huấn luận viên với huấn luyện viên), cũng trở thành một điểm nhấn, thứ "tạo nét" cho chương trình.
Sophia biết đó, giữa thời buổi bạt ngàn các chương trình giải trí như hiện nay, để giữ được sự hấp dẫn, thu hút khán giả, không dễ chút nào. Nhưng tạo kịch tính từ những chuyện tủn mủn, tầm phào, cố tình gây căng thẳng, tranh cãi, đấu đá lẫn nhau để thu hút khán giả thì đúng là... phải dán nhãn cảnh báo!
Giờ nếu phiêu du trong cõi mạng xã hội, thi thoảng Sophia sẽ va phải những đoạn phim ngắn cắt ra từ chương trình bất kỳ nào đó, kèm một dòng tít giật gân. Trong video đó, thí sinh cãi nhau, thậm chí ném đồ đạc, không khí trầm trọng đến mức tưởng đánh nhau đến nơi. Hay một giám khảo lớn tuổi, gân cổ lên chửi té tát thí sinh, như một bà hàng thịt ngày xưa chửi khách giữa chợ. Nói bà hàng thịt ngày xưa, vì bà hàng thịt ngày nay cũng phải điềm đạm bớt đi nhiều phần cho hợp với thời đại.
Sophia biết đó, trẻ con dễ bị nghiện các sản phẩm nghe nhìn. Việc vô tình xem phải những đoạn cãi vã trên sẽ khiến các em mặc định đó là điều hiển nhiên, hoàn toàn được chấp nhận trong một cuộc thi, thậm chí ngoài đời thực. Nhưng với văn hóa Việt Nam, con người ứng xử với nhau trong đời sống thường ngày vẫn được dạy rằng, "một sự nhịn chín sự lành", "chim khôn kêu tiếng rảnh rang, người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe".
Lại nói đến những người xuất hiện trong các chương trình nọ đều đã (hoặc sẽ) nổi tiếng, có vị trí xã hộinhất định, là những người "truyền cảm hứng" cho lớp trẻ. Vậy thì qua những màn cãi nhau không bị cắt khi lên sóng ấy, họ muốn truyền tải thông điệp gì?
Sophia biết mà, hiện tượng này đã tồn tại nhiều năm rồi, chứ không phải mới đây. Khán giả cũng đã bày tỏ sự khó chịu qua hàng năm. Cái gì làm hoài làm mải cũng thấy chán thấy mệt. Mỗi khi dư luận có ý kiến, thì có vẻ như chương trình được quan tâm hơn, vậy là cũng phần nào gây được hiệu ứng. Chẳng có gì đảm bảo là năm sau, chuyện cãi nhau chí choé sẽ không xuất hiện. Dẫu vậy, cũng cần phải nói để biết rằng, dù có diễn ra "thường niên", lặp lại nhưng không thể biến một trò lố thành chuyện thường ngày được. Nhận diện những điều không đẹp, mong mỏi khắc phục, đó là tấm lòng muốn xây dựng của khán giả vậy.
Tạm biệt Sophia, hẹn gặp ở thư sau!
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất