26/04/2022 11:00 GMT+7 | Giải trí
Phải nói rằng, rất hiếm khi một sản phẩm vừa mới ra mắt mà lại cùng lúc xuất hiện trong Top 10 ở 3 bảng xếp hạng nghe nhạc trực tuyến đình đám bậc nhất hiện nay như Về nghe mẹ ru vừa làm được. Đó là BXH Billboard Vietnam Top Vietnamese Songs tuần 15 (tính từ 15 - 21/4) đứng ở vị trí thứ 7, trong khi ở BXH zingchart cũng tuần 15 (từ 18 - 24) đứng vị trí thứ 9, ngoài ra ở BXH nhac.vn ca khúc này đứng ở vị trí thứ 5.
2 người cũ!
Có một điểm tương đồng ở hai gương mặt trẻ này: Hứa Kim Tuyền và Hoàng Dũng đều nổi danh trong đời sống âm nhạc dành cho giới trẻ trong hai vai trò ca sĩ và nhạc sĩ. Cả hai cũng đã đánh dấu được những thành công trong lòng khán giả. Nhưng khách quan mà nói, dường như Hứa Kim Tuyền có phần được công chúng yêu mến hơn trong vai trò nhạc sĩ sáng tác, trong khi khả năng ca hát thì Hoàng Dũng có phần nổi trội hơn. Điều này thậm chí đã từng được khẳng định khi Hoàng Dũng từng là Á quân The Voice 2015.
Đây không phải lần đầu tiên hai nghệ sĩ này hợp tác với nhau. Trước Về nghe mẹ ru, Hứa Kim Tuyền và Hoàng Dũng cũng đã có Hoa Kỳ (2020), Người gieo mầm xanh (2021). Không chỉ có vậy, cuối năm 2021 Hoàng Dũng góp mặt trong sản phẩm Happy Birthday To You (Always 14) của nữ ca sĩ Amee. Đây là một sáng tác của Hứa Kim Tuyền.
Ca khúc "Về nghe mẹ ru":
Một “tân binh”
Hai nghệ sĩ trẻ có cùng hướng đi, cùng sở trường bắt tay nhau có lẽ còn do mối duyên cùng góp mặt trong Sing My Song 2016, lại cùng chung đội của HLV Giáng Son. Bên cạnh đó, có thể cả hai còn đồng cảm với nhau trong âm nhạc và là những người bạn ở ngoài đời.
Thật ra, nếu chỉ nhắc đến hai ca nhạc sĩ trẻ thôi là chưa đủ. Về nghe mẹ ru còn có sự xuất hiện của một “tân binh” lừng danh, đó là NSND Bạch Tuyết.
Gọi một tên tuổi lừng danh trong sân khấu nghệ thuật cải lương là “tân binh” nghe có vẻ không thuận tai cho lắm, bởi NSND Bạch Tuyết với những cống hiến không ngừng nghỉ cho bộ môn nghệ thuật quý báu của dân tộc trong lĩnh vực biểu diễn đã được công chúng mệnh danh là “cải lương chi bảo”. Không chỉ có thế, NSND Bạch Tuyết còn không ngừng học hỏi, tìm tòi, nghiên cứu về bộ môn nghệ thuật này và từng bảo vệ luận án tiến sĩ thành công tại Anh. Bà còn có những đóng góp có giá trị cho nghệ thuật sân khấu cải lương Việt Nam trong lĩnh vực học thuật.
Nhưng đó là sân khấu nghệ thuật truyền thống dân tộc. Còn Về nghe mẹ ru là một sản phẩm được định vị là âm nhạc đại chúng dành cho giới trẻ. Cho nên gọi Bạch Tuyết là “tân binh”, dù chỉ là cách gọi vui, nhưng cũng có phần đúng.
Dẫu là một nghệ sĩ bậc thầy, một tên tuổi lừng danh, nhưng NSND Bạch Tuyết không sống trong những hào quang của quá khứ mà vẫn không ngừng sáng tạo. Bà không ngần ngại kết hợp với các nghệ sĩ thuộc lớp thế hệ sau trong các dự án nghệ thuật. Có thể đó là sự kết hợp với một ca sĩ trong một dự án về tân cổ (tân nhạc kết hợp với cổ nhạc). Thậm chí, bà từng có những trải nghiệm thú vị khi tìm hiểu về hát xẩm và phối hợp cùng các nghệ sĩ hát xẩm thực hiện sản phẩm vọng cổ kết hợp với xẩm…
NSND Bạch Tuyết còn là một soạn giả, đã từ lâu bà thường tự sáng tác và thể hiện phần cổ nhạc trong những sản phẩm âm nhạc. Bên cạnh đó, những năm qua, thi thoảng khán giả còn thấy bà khuyến khích giới trẻ, ủng hộ sự sáng tạo của giới trẻ bằng cách thực hiện các tác phẩm vốn có nguồn gốc từ nhạc trẻ. Chẳng hạn như bài Ông bà anh thời Covid ra mắt tháng 3/2020.
Nói vậy để thấy rằng, sự kết hợp giữa Hứa Kim Tuyền và Hoàng Dũng với NSND Bạch Tuyết dù rất lạ, rất mới nhưng cũng đã có những cơ sở.
Giá như việc xử lý giữa trap, rap và cổ nhạc được tự nhiên hơn, không bị khoảng hẫng khi rap chuyển sang cổ nhạc, đoạn cổ nhạc đỡ bị nhanh xong tụt xuống. Nhưng đây chỉ là chi tiết nhỏ... |
Cùng hòa chung một sản phẩm
Chỉ cần nhìn riêng cái tên Về nghe mẹ ru cũng đã hiểu được nội dung của ca khúc nói nên điều gì. Trong ca khúc này có nhắc tới những người trẻ với nhiệt huyết và hoài bão của mình, còn mải mê những khám phá mới, những thứ giải trí tân kì… nhưng cứ miết mải rồi cũng sẽ có ngày tĩnh lại và nghĩ về những điều rất giản dị ở ngay xung quanh mà vô cùng thiêng liêng. Đó là mẹ, đó là những người thân, là gia đình, là quê hương. Về nghe mẹ ru còn mang hàm ý nhắc người trẻ trân trọng những giá trị thuộc về cội nguồn.
Tất nhiên, với sự xuất hiện của NSND Bạch Tuyết, không thể thiếu ca cải lương. Đoạn ca cải lương mà NSND Bạch Tuyết đảm nhiệm là phần lời mới tương ứng với ca từ: “Ai xa quê cũng nhớ thăm lại những bến xưa/ Tre xanh trên đầu làng xanh giọt mưa/ Nơi mẹ chờ con chưa về, ngày đêm/ Trời ơi, bạn sẽ hạnh phúc với cuộc sống của mình…” dựa theo điệu Lý con sáo Nam bộ.
Đoạn Lý con sáo này được nhắc lại một lần nữa. Ở lần nhắc lại NSND Bạch Tuyết còn ca thêm một câu vọng cổ tương ứng với ca từ: “Cả cuộc đời này, anh đã chờ em, tóc bạc, môi nhợt nhạt/ Tôi vẫn yêu những nơi xa/ Để bà già héo mòn ngày đêm/ Chim xa rừng nhớ quê nhớ chim non”. Khá thú vị khi ở câu vọng cổ trước khi kết này, Hoàng Dũng cũng góp giọng hát của mình vào.
Mới, vì nó không giống như những bài tân cổ vốn đã rất quen tai khán giả nhiều năm qua khi kết hợp một ca khúc trữ tình với vọng cổ. Sự kết hợp này thường mang tính dàn trải, có khi kéo dài tới 5, 6 phút thậm chí hơn, và thường sẽ dành nhiều “đất” ở phần ca cổ cho nghệ sĩ trổ tài khoe làn hơi dài bất tận của mình. Ở đây phần ca cổ được hát theo nhịp tiết tấu chung của toàn bài, điều đó khiến cho sự dàn trải vốn có của tân cổ đã mất đi ở Về nghe mẹ ru, nhưng tinh thần của ca cổ thì vẫn còn dù đã có những thay đổi.
Sự thay đổi này, chúng tôi tin rằng NSND Bạch Tuyết và cả tay đàn lừng danh - NSND Thanh Hải - đã có những “thỏa hiệp” với âm nhạc của giới trẻ. Trong khi bản thân nhạc trẻ, những người trẻ tham gia sản xuất nên sản phẩm này (sáng tác, hòa âm, thể hiện) cũng có những “thỏa hiệp” với cổ nhạc. Chẳng hạn, phần tân nhạc sẽ thiếu đi sự phát triển bùng nổ như thường thấy trong các ca khúc hay phần hòa âm có một bè nền khai thác màu sắc âm thanh khiến người nghe mường tượng tới âm thanh của tiếng đàn dân tộc. Trong khi phần rap cũng có những điểm khác, giai điệu của phần rap này mang tính ca khúc.
Tất nhiên, vẫn phải khẳng định Về nghe mẹ ru là dòng nhạc điện tử, style nhạc trap. Phần nền có hai sound nổi bật tạo nên màu tối của trap và có độ lạ (Pluck, Guitar Electric), mở đầu bài intro là tiếng Pluck cũng rất lạ tai. Nếu có mong muốn gì thì người viết mường tượng tới việc giá như việc xử lý giữa trap, rap và cổ nhạc được tự nhiên hơn, không bị khoảng hẫng khi rap chuyển sang cổ nhạc, đoạn cổ nhạc đỡ bị nhanh xong tụt xuống. Nhưng đây chỉ là chi tiết nhỏ, về tổng thể Về nghe mẹ ru là một sản phẩm thú vị, độc đáo, đáng nghe và các nghệ sĩ góp phần tạo nên sản phẩm này rất đáng được trân trọng.
Ê-kíp “Về nghe mẹ ru” (audio) Project Leader: Hùng Võ Project Manager : Lâm Nguyễn - Edwards Trần Music Producer: Hứa Kim Tuyền Composer: Hứa Kim Tuyền, NSND Bạch Tuyết Rap Composer: 14 Casper Arranger: Jase, NSND Thanh Hải Mixed & Mastered: Minh Dat Nguyen Recording Studio: M'acoustic |
Điểm: 8,0/10 |
Nguyễn Quang Long
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất