11/06/2011 15:16 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH) - Khu lăng mộ của vua Ai Cập Tutankhamun có một bộ sưu tập vô cùng ấn tượng các đồ tùy táng. Nhưng một cuộc nghiên cứu khoa học mới lại cho thấy vị vua trẻ này - qua đời vào khoảng năm 1300 trước Công nguyên, ở cuối độ tuổi vị thành niên - có thể đã được chôn cất một cách hết sức vội vã và có vi khuẩn xâm nhập vào trong đó.
Nhà vi trùng học GS Ralph Mitchell thuộc Trường Đại học tổng hợp Harvard tin rằng những vết đốm màu nâu sẫm xuất hiện trên những bức tường được vẽ rất tinh tế là minh chứng cho điều đó. Ông cho biết: “Vua Tutankhamen chết trẻ và chúng tôi cho rằng ngôi mộ này được xây rất vội. Có thể các bức tường còn chưa khô khi ngôi mộ được gắn kín. Hơi ẩm cũng như đồ ăn và khói trầm bên trong ngôi mộ là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển cho đến khi các bức tường khô”.
Tutankhamun là vị pharaoh Ai Cập của triều đại thứ 18. Nguyên nhân cái chết bất ngờ của ông vẫn chưa được làm sáng tỏ. Nhiều cuộc điều tra khác nhau cũng đưa ra nhiều giải thích khác nhau, như ông qua đời do bị thương ở đầu, do chân gãy bị nhiễm trùng, sốt rét, thiếu máu hoặc có thể bị nhiều bệnh.
Các nhà khoa học đã “đánh vật” với những vết đốm trên tường kể từ khi ngôi mộ được nhà thám hiểm Anh Howard Carter phát hiện hồi năm 1922. Giống như nhiều di chỉ cổ đại khác, các bức tranh trong ngôi mộ này đang bị bong ra, trong khi tường thì bị nứt. Hội đồng Cổ vật tối cao Ai Cập rất lo lắng trong việc bảo tồn ngôi mộ và họ đã liên hệ với Viện Bảo tồn Getty, cuối cùng GS Mitchell đã được cử đến để hỗ trợ. Công việc của ông là tiến hành nghiên cứu các vết đốm để qua đó tìm hiểu xem liệu lượng đông khách tham quan tới đây có khiến các vết đốm trở nên tồi tệ hơn không và chúng có gây hại gì tới sức khỏe không.
Bên trong lăng mộ của Vua Tutankhamun ở Luxor, Ai Cập |
Nhà khoa học này cùng nhóm của mình đã áp dụng nhiều công nghệ hiện đại để nghiên cứu, trong đó gồm cả việc cấy các mẫu sinh vật sống lấy từ các bức tường trong ngôi mộ và tiến hành xét nghiệm ADN. Chưa kể, các nhà hóa học của Viện Getty còn phân tích các vết nâu trong lớp vữa và lớp sơn và họ đã phát hiện ra các melanin, nhưng không có sinh vật sống nào trong các vết đốm đó. “Kết quả xét nghiệm của chúng tôi cho thấy các vi khuẩn gây nên những vết đốm đó đã chết hoặc nói cách khác là không hoạt động” - nhà nghiên cứu Archana Vasnathakumar cho biết.
Gương mặt xác ướp của vua Tut
Phân tích các bức ảnh chụp khi ngôi mộ này được khai quật lần đầu tiên vào năm 1922 cho thấy các vết đốm nâu đó không hề thay đổi trong 89 năm qua. Do vậy việc “nhận dạng” vi sinh vật cổ đại vẫn còn là một bí ẩn, song chứng cứ cho thấy các vi khuẩn không phát triển.
Việt Lâm
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất