07/04/2022 14:30 GMT+7 | Tin tức 24h
(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 7/4, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng đã có văn bản khuyến cáo người dân, nhất là vùng nông thôn huyện Hòa Vang cần hết sức thận trọng, tỉnh táo, cảnh giác với các chiêu trò tạo “sốt” đất ảo trên địa bàn huyện thời gian qua.
Gần đây, các đối tượng môi giới đất đai đã cố tình chen chúc nộp hồ sơ, gây quá tải tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả giao dịch đất đai tại huyện Hòa Vang. Sau đó, các đối tượng đăng tải hình ảnh, clip lên mạng xã hội nhằm tạo điểm nóng để đăng tin không chính xác về nhu cầu mua bán đất của người dân. Qua khảo sát của cơ quan chức năng, thực tế người dân thực hiện giao dịch không quá nhiều, phần lớn là nhóm người môi giới mua bán đất đai, môi giới làm thay thủ tục đất đai cho người khác.
Ngoài ra, các nhóm người này sử dụng chiêu trò tự mua đi bán lại đất trong nhóm, với giá ngày hôm sau tăng hơn so với ngày hôm trước nhằm đẩy giá đất lên cao qua từng ngày để trục lợi.
Thực tế, nhu cầu sử dụng đất của người dân vào mục đích để ở hay sản xuất nông nghiệp là không nhiều, dẫn đến người cuối cùng sẽ phải mua đất với giá rất cao, không đúng với giá trị thực tại thời điểm giao dịch. Thậm chí có không ít người dân địa phương bán đất với giá thấp rồi mua lại đất khác, có khi mua lại chính lô đất mình đã bán đi với giá cao hơn vì nghĩ sẽ kiếm được tiền chênh lệch khi giá đất tăng lên từng ngày.
Tuy nhiên, sau thời gian tạo “sốt đất ảo”, nhóm người này sẽ rút lui khỏi địa bàn, giá đất lại trở về với giá trị thật của thị trường và theo nhu cầu thực tế. Chỉ còn người mua cuối cùng có nhu cầu bán nhưng không còn ai mua lại với giá cao như trước, phải bán cắt lỗ... Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng cảnh báo việc “sốt” đất ảo sẽ dẫn đến hậu quả "tiền mất, tật mang", gây nhiều hệ lụy cho đời sống người dân vùng nông thôn vốn yên bình qua nhiều thế hệ.
Ông Trần Văn Liên, Phó Chánh văn phòng UBND huyện Hòa Vang cho biết, những ngày qua có tình trạng chen lấn, xô đẩy khi nộp hồ sơ tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả giao dịch đất đai, nhất là vào thứ Hai ngày 4/4 với khoảng 200 người. Sau khi nhận được phản ánh, bắt đầu từ ngày 7/4, UBND huyện đã đặt thêm bàn hướng dẫn, cử cán bộ túc trực để phục vụ người dân, bảo đảm an ninh trật tự. Để ngăn tình trạng “cò đất” chen lấn người dân, các cán bộ chỉ phát cho mỗi người một phiếu để làm thủ tục cho một bộ hồ sơ, nếu muốn làm nhiều bộ hồ sơ phải xếp hàng lại, đảm bảo công bằng.
Theo ông Nguyễn Hồng Song, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố Đà Nẵng, số lượng hồ sơ giao dịch đất đai tại huyện Hòa Vang vẫn ở mức bình thường, không có chuyện tăng đột biến. Hiện nay, trung bình mỗi ngày Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Hòa Vang tiếp nhận, giải quyết khoảng 70 đến 80 hồ sơ giao dịch. Vào ngày 4/4 vừa qua, do là thứ Hai đầu tuần, số lượng hồ sơ tăng lên hơn 90 hồ sơ nhưng các ngày sau đó đã giảm xuống còn 50 - 60 hồ sơ.
Quốc Dũng/ TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất