06/09/2014 20:01 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Nếu có một phẩm chất của Angel Di Maria giống với thế hệ 1992, thì đó là sự chăm chỉ.
1. Thế hệ của Scholes, Giggs, Beckham, Butt và anh em nhà Neville… không chỉ nổi bật bởi tài năng mà còn ở sự khao khát chinh phục.
Họ chiến đấu như những con thú bị bỏ đói, trong từng pha bóng, từng bàn thắng, từng trận đấu và từng phút giây. Chiến thắng Bayern Munich ở chung kết Champions League 1999 với 2 bàn ghi trong 100 giây cuối là thành quả của khao khát ấy. Hay sự ra đời của “Fergie time”, những bàn thắng ở phút bù giờ, cũng xuất phát phần nào từ khát khao của thế hệ ấy.
Angel Di Maria có thể thành công trong hệ thống chiến thuật của Louis van Gaal, bùng nổ như cách anh thực hiện 3 đường kiến tạo, ghi 1 bàn trước tuyển Đức trong trận giao hữu ngày 4/9.
Nhưng anh cũng có thể thất bại, vì một lý do chiến thuật nào đó, vì đen đủi chấn thương, hoặc có thể Di Maria sẽ phải mất nhiều thời gian thích nghi với môi trường hoàn toàn khác biệt, với thứ bóng đá anh chưa từng kinh qua.
Nhưng cam đoan một điều: Di Maria sẽ không bỏ cuộc.
2. Chàng trai sinh ra tại Rosario đơn giản là không mơ những giấc mơ của khu khán đài Stretford End, và ít công dân Argentina nào hiểu cặn kẽ thực chất Man United là gì.
Đây là một nơi xa lạ. Nhưng với một người chăm chỉ, nó vẫn là một công trường.
Con trai của một công nhân mỏ than Rosario chưa từng bị các HLV phàn nàn về thái độ tập luyện.
Sau trận chung kết Champions League 2014, Di Maria nói: “Tôi khuỵu đầu gối xuống trong sự biết ơn, cảm xúc và mệt mỏi. Tôi làm việc hết công suất trong 120 phút. Mỗi lần mặc chiếc áo này (Real Madrid) tôi đều gắng gượng hết sức có thể. Bất luận người ta có nói gì, tôi cũng không bao giờ chỉ đá 95 hay 99%”.
Người trao danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất trận cho Di Maria là Sir Alex Ferguson.
3. Manchester United là đội bóng của thành phố công nghiệp Manchester, và là tình yêu của các công nhân thành phố này. Như Patrice Evra có lần nói: Truyền thống của đội bóng là các cầu thủ chiến đấu như những công nhân làm việc. Ngôi sao cũng phải làm việc. Và Sir Alex trước đây chưa từng dung nạp một cá tính dám “phản bội” như Roy Keane, hay đưa nhiều yêu sách như Ruud van Nistelrooy.
Hãy xem Di Maria chạy hết tốc lực rồi tạt bóng cho Cristiano Ronaldo đánh đầu ghi bàn mang về chiếc Cúp Nhà Vua 2011: Đó đã là những phút cuối cùng, nhưng đôi chân anh vẫn chạy như đầu trận.
Hãy xem Di Maria ghi bàn hạ Barcelona 2-1 cũng ở chung kết cúp Nhà Vua năm 2013, pha bóng anh đã chạy từ vòng cấm đội nhà sang vòng cấm đối phương, nhận bóng, rồi sút chéo góc thành bàn.
Đó đều là thành quả của nỗ lực đến tận cùng.
Nếu xét về các kĩ năng như khống chế bóng hay dứt điểm, Di Maria vẫn là anh, khéo léo và nhanh nhẹn. Nhưng nếu xét về nhận thức rằng phải chạy, phòng ngự và chiến đấu, thì Di Maria đã thay đổi từ khi làm việc với Jose Mourinho.
“Mou dạy rằng tôi không phải một tiền đạo thuần túy”, chính Di Maria khẳng định. “Tôi không thể nghỉ ngơi như các tiền đạo khi mất bóng”.
Ancelotti cũng dạy anh nhiều điều: “Hãy tấn công rồi phòng ngự, chạy và tiếp tục chạy. Ông ấy bắt tôi phải hy sinh”.
Đó là thứ tinh thần của David Beckham, người đã sút cả ngàn cú vu vơ vào những chiếc lốp xe treo lủng lẳng trong vườn, để đổi lại 65 quả phạt thành bàn trong sự nghiệp, cùng hàng ngàn quả treo bóng mẫu mực.
Đó là tinh thần của Ryan Giggs, chiến binh kinh qua gần 1000 trận đấu cho Manchester United ròng rã 24 năm. Tinh thần của Roy Keane, một chiến binh bất tử, hay của con sư tử già Peter Schmeichel trước gôn nhà.
Thứ tinh thần ấy là đặc trưng của thế hệ 1992, biểu trưng qua hai phẩm chất: Sự chăm chỉ và hy sinh.
Di Maria có nó.
Đỗ Hiếu
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất