26/03/2013 13:37 GMT+7 | Đức
(Thethaovanhoa.vn) - Việc Pep Guardiola đến với Bundesliga vào mùa giải tới dường như không chỉ là thắng lợi riêng của Bayern trong cuộc đua với những đối thủ sừng sỏ ở châu Âu, mà đó còn có thể là một bước đi mang tầm chiến lược của người Đức trong việc chinh phục các đỉnh cao của thế giới bóng đá, cụ thể trước mắt là World Cup 2014 ở Brazil.
1. Nhìn lại thành công của bóng đá Tây Ban Nha ở EURO 2008, World Cup 2010 và EURO 2012, rõ ràng dấu ấn của huấn luyện viên Pep Guardiola là rất lớn, dù ông không một phút dẫn dắt “La Roja”, cũng như chưa một lần chính thức làm trợ lý hay cố vấn cho các chiến lược gia Luis Aragones và Vicente Del Bosque.
Dựa trên “nguyên liệu” mà Guardiola đã tinh chế, những cầu thủ khoác chung màu áo Barcelona, công việc của Aragones và Del Bosque chỉ là lắp ghép thêm một vài mắt xích, và tìm giải pháp thay thế vai trò của Lionel Messi ở đội tuyển Tây Ban Nha. David Villa, Fernando Torres hay Cesc Fabregas chính là “Messi của La Roja”.
Nếu như đội tuyển Tây Ban Nha được xây dựng trên bộ khung của Barcelona thì ở đội tuyển Đức, vai trò của các cầu thủ Bayern là nòng cốt. Câu lạc bộ này thường xuyên đóng góp từ sáu đến bảy cầu thủ, hình thành nên xương sống của “Die Mannschaft”. Cầu thủ của Bayern góp mặt ở mọi tuyến, từ thủ môn, hậu vệ, tiền vệ phòng ngự, tiền vệ tấn công đến tiền đạo.
Dưới thời Guardiola, Barcelona giành được hai Champions League. Cũng trong thời gian đó, Bayern hai lần vào chung kết giải đấu danh giá nhất châu Âu, nhưng đều không thể chiến thắng, dù thậm chí có trận còn được chơi ngay trên sân nhà, như thất bại trước Chelsea trong mùa giải trước. Trong khi Tây Ban Nha vô địch ba giải lớn liên tiếp thì Đức một lần là á quân, hai lần đứng thứ ba.
2. Rõ ràng, có một sự liên kết nhất định giữa thành công của Barcelona với đội tuyển Tây Ban Nha, và giữa thất bại của Bayern với đội tuyển Đức. Tây Ban Nha đã một lần thay huấn luyện viên (Del Bosque thay Aragones sau EURO 2008) trong khi triều đại của ông Joachim Loew đã kéo dài gần bảy năm, chưa kể hai năm trước đó ông còn làm trợ lý cho Juergen Klinsmann ở đội tuyển Đức.
Ở cấp độ đội tuyển, người Đức đã làm đủ mọi cách, từ trẻ hóa con người đến cách tân lối chơi, nhưng vẫn chưa thể giành thêm vinh quang kể từ chiến tích đoạt chức vô địch EURO 1996. Có lẽ, đã đến lúc những nhà làm bóng đá ở Đức phải thay đổi tận gốc vấn đề - nhân tố xây dựng nên đội tuyển - với bài học thành công của Tây Ban Nha.
Sự có mặt của Guardiola ở Bayern được xem là chiếc chìa khóa quan trọng, và khi Bayern thay đổi thì chắc chắn, đội tuyển Đức cũng thay đổi theo, trừ khi ông Loew quá bảo thủ hay đặt nặng cái tôi cá nhân lên đầu. Hiện tại, dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên Jupp Heynckes, đã có những thời điểm Bayern chơi “tiqui-taca” còn hay hơn cả Barcelona!
Vấn đề lớn nhất là Bayern không có một cái gốc thực sự tốt, bởi “tiqui-taca” không phải do ông Heynckes sáng chế ra, và không thể duy trì sự ổn định của lối chơi này theo năm tháng. Nhưng Bayern có những nền tảng, nguyên liệu tốt để phát triển “tiqui-taca”, và họ đã chọn được một người hiểu “tiqui-taca” hơn ai hết - chính là Guardiola.
3. Người Đức luôn làm việc một cách khoa học và có tầm chiến lược lâu dài, như cách mà các đội bóng Bundesliga đang thành công với hệ thống đào tạo trẻ là một ví dụ. Dù có những mâu thuẫn nhất định, chủ yếu về đóng góp cầu thủ và quyền lợi đi kèm, nhưng nhìn chung, Bayern và đội tuyển Đức vẫn là một thể thống nhất.
Thế nên, nếu nhìn nhận một cách sâu xa, Guardiola đến với Bundesliga không chỉ dừng lại ở việc dẫn dắt Bayern, mà ông còn mang trên mình sứ mệnh tạo ra nền tảng thành công cho đội tuyển Đức. Chỉ có điều, cái gì cũng cần có thời gian, và một mùa bóng ở Bayern trước khi World Cup 2014 khởi tranh liệu có đủ cho Guardiola và Loew bắt tay nhau làm nên chiến thắng?
Đông Hà
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất