Sau nhiều lần xả Quỹ để kiềm giá xăng dầu, Quỹ bình ổn giá xăng dầu tính đến nay đã âm hơn 2.300 tỷ đồng, Bộ Công Thương vừa cho biết.
Đây là hệ quả của rất nhiều lần, liên bộ Tài chính - Công Thương yêu cầu doanh nghiệp đầu mối xả quỹ bình ổn để bù giá xăng dầu ngay cả khi, quỹ này đã sạch trơn.
Từ đầu năm đến nay, Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã có 2 lần điều chỉnh mức sử dụng, trong đó, mức cao nhất từ 780 đồng - 1.610 đồng áp dụng từ ngày 26/1/2012. Sau 2 tháng, ngày 7/3, đồng thời với tăng giá mạnh, mức sử dụng này đã giảm chỉ còn 300 đồng/lít cho cả 4 mặt hàng xăng dầu.
Đến ngày 20/4, cùng với đợt tăng mạnh giá xăng dầu lần thứ 2 trong năm, việc sử dụng Quỹ bình ổn mới được ngưng lại.
Trong năm 2011, Quỹ bình ổn xăng dầu cũng liên tục được xả bù giá tới 6 lần với con số bù cao nhất là 2.300 đồng/lít cho dầu diezen trong thời gian từ 11/2/2011 đến 24/2/2011.
Nhờ có Quỹ bình ổn, giá xăng dầu Việt Nam nhiều lần không phải tăng (ảnh: Phạm Huyền)
|
Hầu hết, các đợt điều chỉnh việc xả hay trích quỹ bình ổn đều nhằm mục tiêu kiềm giá xăng dầu mà không cần quan tâm tới số dư thực tế của quỹ. Các doanh nghiệp xăng dầu đều phàn nàn, sử dụng quỹ khi quỹ đã không còn đồng nào, tức là quỹ âm, là cấu vào vốn của doanh nghiệp. Đại diện của Petrolimex còn thẳng thắn chỉ trích, đây là "quỹ ảo", "quỹ gió". Cách vận hành quỹ như vậy tuy mục tiêu của Bộ Tài chính là giữ giá xăng dầu, kiềm chế lạm phát nhưng mặc khác, gây sức ép tài chính cho các doanh nghiệp xăng dầu.
Theo tính toán của đại diện Bộ Tài chính, mức trích Quỹ chỉ 300 đồng/lít nhưng hầu như, mức xả Quỹ lại thường gấp đôi, gấp ba, thậm chí là gấp 5-7 lần nên chỉ trong 1 tháng sử dụng có thể tiêu sạch số dư được trích lũy trong cả năm.
Báo cáo tới Thủ tướng về tình hình kinh doanh xăng dầu theo Nghị định 84, Bộ Công Thương cho rằng, Quỹ bình ổn đã góp phần ổn định giá xăng dầu trong thời kỳ khó khăn của nền kinh tế. Đây cũng là một công cụ kinh tế công khai , minh bạch của Nghị định 84, thay thế cho công cụ hành chính trước đây trong điều hành xăng dầu. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có cơ chế, quy định cụ thể để xử lý tình trạng quỹ âm này. Bộ Công Thương cho rằng, Bộ Tài chính cần rà soát, điều chỉnh lại cơ chế vận hành quỹ bình ổn, đảm bảo sử dụng hiệu quả trong phạm vi số dư của quỹ.
Theo Vietnamnet